Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Năm cũ sắp qua đi, một mùa Xuân mới lại về, mỗi người trong chúng ta thường có một thói quen là kiểm lại những việc đã làm trong một năm để tìm xem mình đã làm được gì và còn những gì khiếm khuyết cần phải chú tâm sửa đổi. Để rồi, trên cái bình diện ấy, mỗi người tự củng cố cho mình một niềm tin mới, một sức sống mới để đón một mùa Xuân mới tràn đầy sức sống và hy vọng. Trong năm qua, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với giới Luật sư là Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp mới đã được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Hội đồng Luật sư toàn quốc cũng đã ra Nghị quyết số 16/NQ-HĐLSTQ ngày 27/12/2020 về việc bồi dưỡng, quán triệt phổ biến Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Nghị quyết nêu rõ: “Ban chủ nhiệm các Đoàn Luật sư triển khai việc phổ biến và thực hiện công tác bồi dưỡng, quán triệt, học tập Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đến các Luật sư thành viên. Các Luật sư chủ động tự học tập, bồi dưỡng và tham gia vào các lớp bồi dưỡng về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Đoàn Luật sư , Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoặc các tổ chức, cơ quan khác có liên quan tổ chức”.
Nhân sự kiện này, trong tâm thế đón mùa Xuân mới, là một Luật sư đã hành nghề lâu năm, tôi có vài suy nghĩ thêm về đạo đức của nghề Luật sư , cũng là những điều tâm niệm để tự nhủ mình trong hành nghề cũng như trong cuộc sống.
Nghề Luật sư là một nghề luật. Lẽ đương nhiên, đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi các Luật sư phải triệt để tôn trọng và thực thi pháp luật trong hành nghề. Hệ thống pháp luật về Luật sư đã có và đang cố gắng ngày càng hoàn thiện hơn. Đó là Luật Luật sư và các văn bản dưới luật tạo thành cơ sở pháp lý cho toàn bộ hoạt động Luật sư . Thế nhưng, pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy, tự nó cũng không thể bao quát và điều chỉnh tất cả các hành vi ứng xử của Luật sư khi hành nghề. Bởi lẽ, Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình. Nói đến cá nhân thì về mặt logic, khi tham gia vào các quan hệ xã hội và các quan hệ tố tụng, bên cạnh tư cách chủ thể của quan hệ tố tụng, Luật sư còn có tư cách cá nhân - cá thể.
Tư cách này hàm chứa những nhận thức tư tưởng và trạng thái tâm lý, tình cảm “Hỷ, Nộ, Ái, Ố” của từng cá nhân. Phạm trù “hành vi cá nhân” cũng bao gồm những vấn đề thuộc về “đời tư” của mỗi người. Trên bình diện đó, bản thân pháp luật không thể can thiệp bằng các quy phạm pháp luật mang tính chất cưỡng chế. Phạm vi này đòi hỏi mỗi cá nhân phải “tự điều chỉnh” hành vi của mình. Cơ sở nền tảng của việc “tự điều chỉnh” này chính là phạm trù đạo đức.
Luật sư hành nghề với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ một “nền tảng đạo đức”. Nếu không xuất phát từ nền tảng này thì Luật sư không thể có ý thức tôn trọng pháp luật khi hành nghề.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư mới gồm 6 chương, 32 quy tắc. Các quy tắc được xây dựng dưới dạng các quy phạm đạo đức mang tính chất cấm đoán (không được làm) hoặc tính chất khuyến nghị để các Luật sư lựa chọn thái độ ứng xử cho phù hợp với truyền thống đạo đức nói chung và đặc tính nghề nghiệp Luật sư nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc này mới chỉ là một khía cạnh có ý nghĩa tiền đề cho việc quản lý hoạt động Luật sư .
Việc tổ chức giám sát tuân thủ Bộ Quy tắc là trách nhiệm của ban chủ nhiệm các Đoàn Luật sư và của Thường vụ Liên đoàn. Nhưng ban chủ nhiệm các Đoàn Luật sư và Thường vụ Liên đoàn chỉ gồm những cá nhân Luật sư , không phải là người có “trăm tai, nghìn mắt” có thể bao quát hết từng ngõ ngách trong đời sống hàng ngày của Luật sư , lại còn phải tự mình gương mẫu về tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cho xứng với chức danh mà mình đảm nhiệm. Nhìn chung, nội dung Bộ Quy tắc với số lượng như thế không thể bao quát và dự liệu điều chỉnh hết các tình huống phát sinh trong hành nghề và sinh hoạt đời sống. Bộ Quy tắc chỉ đưa ra những chuẩn mực chung nhất của đạo đức nghề nghiệp làm khuôn mẫu cho việc áp dụng, còn trong thực tế hành nghề và đời sống xã hội có biết bao tình huống, trường hợp cụ thể đòi hỏi từng Luật sư phải tự mình ứng xử bằng cái “Tâm” trong sáng của mình mới có thể phát huy được truyền thống đạo đức nghề nghiệp Luật sư .
Điều rất quan trọng là phải biến những quy tắc dưới dạng các quy phạm khô khan thành hiện thực sinh động trong đời sống riêng tư và hành nghề của mỗi Luật sư . Vậy thì để có hiện thực sinh động trong thực thi Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp, mỗi Luật sư phải tự mình ý thức về phẩm giá và uy tín của mình để tự mình điều chỉnh những hành vi của bản thân trong các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ nghề nghiệp nói riêng.
Mối quan hệ giữa nói về đạo đức với thực hiện hành vi đạo đức trên thực tế là mối quan hệ giữa “nói và làm”. Tạo ra được sự thống nhất của mối quan hệ này đối với mỗi người là một điều hết sức khó khăn trong cuộc đấu tranh với chính bản thân mình. Phẩm giá và uy tín của mỗi Luật sư không phải do ai ban cho hoặc sẵn có mà là kết quả của quá trình tu dưỡng bền bỉ, được tích lũy bằng tri thức, các kỹ năng hành nghề và hành vi đạo đức của bản thân Luật sư . Muốn vậy, mỗi Luật sư phải biết quên “cái bản ngã - cái tôi” của mình trong thái độ ứng xử, để sao cho khi hành vi của mình được thực hiện, mọi người đều nhận chân được mục đích cao cả của chủ thể hành vi là vì sự nghiệp chung, vì uy tín chung của giới Luật sư . Đức Phật Thích Ca đã dạy “Vạn pháp do Tâm”. Về bản chất, con người vốn dĩ đã có “một cái tâm trong sáng”.
Chỉ có điều trong quá trình sống, “cái Tâm” ấy trong mỗi người đã bị tạp nhiễm bởi những ham muốn vật chất và danh vọng qua thời gian làm cho nó bị mờ đi. Rèn “Tâm” chính là một biện pháp thanh lọc trong thân tâm, để “cái Tâm trong sáng” ấy hiện ra. Và khi “cái Tâm trong sáng” hiện hữu thì thưa các đồng nghiệp, mọi tình huống phức tạp nào đó xảy ra trong đời sống cá nhân và hành nghề của từng Luật sư , đều trở nên đơn giản!
Tôi có một kỷ niệm không thể nào quên khi tham gia bào chữa cho một bị cáo trong vụ án cách đây đã lâu. Đó là một vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, một loại án mà nhân gian thường gọi là “nhạy cảm”. Bị cáo mà tôi bào chữa liên tục kêu oan về tội danh bị truy tố và xét xử. Án sơ thẩm kết tội bị cáo với mức án 05 năm tù giam. Các bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Gần đến ngày xét xử phúc thẩm, bị cáo (thân chủ của tôi) quyết định tuyệt thực mang ý nghĩa như là một biện pháp phản kháng. Các cơ quan tiến hành tố tụng và cả người thân trong gia đình dùng mọi biện pháp giải thích, động viên để bị cáo ngừng tuyệt thực, ăn uống để lấy sức khỏe ra tòa, nhưng mọi cố gắng của họ đều không có kết quả.
Với tư cách Luật sư , tôi là người cuối cùng vào gặp bị cáo để tiếp tục động viên, thuyết phục được bị cáo. Trong các buổi làm việc trước đây, ngoài nội dung có liên quan trong vụ án, chúng tôi còn tâm sự nhiều điều về nhân tình thế thái, về cuộc đời mỗi người… Qua trò chuyện, tôi biết bị cáo là người con rất có hiếu với cha mẹ và còn là một người am hiểu về Tứ Diệu Đế, về luật nhân quả lương duyên… trong Đạo Phật.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư , trong toàn bộ chương quy định về “Quan hệ Luật sư với khách hàng” không có quy tắc nào quy định cụ thể về thái độ ứng xử của Luật sư trong trường hợp này. Vậy tôi phải làm sao để thuyết phục bị cáo? Nói thế nào đây để có thể chuyển hóa được trạng thái tâm lý phản kháng tiêu cực của bị cáo? Tôi suy nghĩ rất nhiều để tìm ra những điều cần nói cho phù hợp với những điểm về tính cách mà tôi thấy được từ con người bị cáo. Tựu trung, tôi chỉ nói hai ý :
Một là, bị cáo kháng cáo kêu oan. Vậy thì, phiên tòa phúc thẩm là một cuộc điều tra công khai để bị cáo bày tỏ nỗi oan khuất của mình. Đó là một cơ hội và quyền tố tụng quan trọng mà pháp luật đã dành cho bị cáo để tự bảo vệ mình. Cớ sao bị cáo lại tự mình đánh mất cái quyền đó, trong khi Luật sư đã và đang làm hết sức mình để bảo vệ cho được những quyền lợi hợp pháp của bị cáo? Thái độ này của bị cáo đã dẫn đến một tình thế rất khó xử cho Luật sư . Trong suốt quá trình tố tụng, bị cáo và Luật sư đã có sự hợp tác rất tốt, bước đầu cũng đã có một số kết quả nhất định, bị cáo nỡ lòng nào để cho Luật sư rơi vào tình thế này sao?
Hai là, bị cáo là một người con rất có hiếu với cha mẹ, nỗi ân hận để cha mẹ phải lo lắng về mình trong vòng lao lý thế này, khi chưa làm được điều gì báo hiếu với tư cách một người con, đã khiến bị cáo đau khổ trong nhiều ngày tháng qua. Vậy bị cáo có biết rằng, thân xác này của bị cáo là do cha mẹ ban cho. Bây giờ, bị cáo tuyệt thực, nếu thân xác này có bề gì thì có phải là bị cáo đã cướp công và gây đau khổ tột cùng cho cha mẹ? Và như thế thì chính bị cáo đã phạm tội rất lớn đối với cha mẹ, đó là tội bất hiếu, bị cáo có biết không?
Viết trong bài thì ngắn gọn ý vậy thôi, còn trên thực tế, chúng tôi ngồi tâm sự với nhau rất lâu bằng cả tấm lòng chân thực của mình. Và điều bất ngờ là bị cáo đã nghe lời tôi và ngay tối hôm đó bắt đầu ăn uống bình thường để một tuần sau ra phiên tòa. Kết quả phiên tòa phúc thẩm đã rất tốt cho bị cáo: Được giảm án từ 05 năm xuống còn 03 năm 06 tháng tù. Bây giờ thì bị cáo đang sống một cuộc sống của một công dân bình thường.
Tôi viết chuyện này để muốn nói một điều rằng, trong tình huống này, tôi đã ứng xử với một tấm lòng chân thành, trong sáng, thể hiện trách nhiệm đạo đức của mình với thân chủ, điều cụ thể không tìm thấy trong một quy tắc nào, ngoài quy định chung về sự “tận tâm” theo Quy tắc 5 của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư .
Đầu năm, tâm sự một vài điều thêm về đạo đức nghề nghiệp Luật sư để chia sẻ cùng các đồng nghiệp, mong nhận được sự đồng cảm chân thành, cũng là một niềm vui của cá nhân trước thềm Xuân mới.
Luật sư NGUYỄN MINH TÂM
Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam