Người tập sự hành nghề Luật sư tham gia tố tụng với tư cách ủy quyền đại diện là hành vi vi phạm Luật Luật sư

04/05/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, tại các cấp Tòa án xuất hiện một số người tập sự hành nghề Luật sư đến Tòa án các cấp, để tham gia tố tụng tại các phiên tòa dân sự, với tư cách là người nhận ủy quyền đại diện thay mặt cho các đương sự.

Do Bộ luật Dân sự không giới hạn quyền được tham gia tố tụng theo ủy quyền, mặt khác, các cấp Tòa án cũng không thể biết ai là người đang tập sự hành nghề Luật sư và ai là người được đại diện theo ủy quyền. Hơn thế nữa, có thể có Tòa án không biết có quy định cấm người tập sự hành nghề Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, vì thế, đã mặc nhiên chấp nhận một sự việc mà Luật Luật sư đã loại trừ, đó là việc người tập sự hành nghề Luật sư thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua việc tham gia tố tụng với hình thức ủy quyền đại diện.

Luật Luật sư Việt Nam quy định tại Điều 14 khoản 3 như sau:

“Người tập sự hành nghề Luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật...”.

Mặc dù đã có quy định như trên, phần lớn những người tập sự hành nghề Luật sư, do nhu cầu học nghề, nhu cầu nắm bắt công việc, và thậm chí cả nhu cầu về cuộc sống… đã tìm rất nhiều cách để được tham gia tố tụng. Trong đó, việc tham gia  tố tụng theo hình thức ủy quyền tại các phiên tòa dân sự ở các cấp Tòa án, được hầu hết những người tập sự hành nghề Luật sư chọn lựa.

Một số người tập sự hành nghề Luật sư khi tham gia tố tụng, thường giới thiệu với khách hàng và những người xung quanh rằng mình là Luật sư.

Qua trao đổi, không ít người, kể cả một vài Luật sư, đều cho rằng: Pháp luật không cấm người dân tham gia ủy quyền đại diện, người tập sự hành nghề Luật sư là người dân, khi họ tham gia ủy quyền đại diện thì họ chỉ dùng tư cách người dân, chứ không dùng tư cách người tập sự hành nghề Luật sư, nên việc ngăn cấm họ là không thỏa đáng. 

Chúng ta không phủ nhận những nhu cầu chính đáng của những người tập sự hành nghề Luật sư như đã trình bày ở trên, nhưng nếu muốn trau dồi nghề nghiệp, những người tập sự hành nghề Luật sư vẫn có nhiều cách như: Đến các phiên tòa để nghe, quan sát, ghi nhận, tham gia tố tụng cùng với Luật sư hướng dẫn, thường xuyên trao đổi, học hỏi nghiệp vụ với các Luật sư, tích cực trong việc cập nhật kiến thức,…

Mặt khác, khi đã đăng ký tham gia tập sự hành nghề Luật sư - là những người sẽ trở thành Luật sư trong tương lai - người tập sự hành nghề Luật sư phải đặt mình dưới sự điều chỉnh của Luật Luật sư, cụ thể là tại Điều 14, khoản 3 nêu trên. Người tập sự hành nghề Luật sư không thể cho rằng mình là dân nên được làm những gì pháp luật không cấm.

Vì vậy tác giả cho rằng: Khi đã là người tập sự hành nghề Luật sư thì việc tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền, là đã vi phạm quy định tại Điều 14, khoản 3, Luật Luật sư.

Tại tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 10/01/2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã có Công văn số 19/CV-TA kèm theo danh sách những người tập sự hành nghề Luật sư, gửi đến tất cả các Tòa án thành phố, thị xã, huyện trực thuộc, để yêu cầu thực hiện đúng theo tinh thần quy định tại Điều 14, khoản 3, Luật Luật sư.

Tuy nhiên, vào ngày 17/4/2023, Đoàn Luật sư Đắk Lắk nhận được thông báo của một Tòa án nhân dân cấp huyện về việc người tập sự hành nghề Luật sư tham gia tố tụng tại Tòa án với hình thức đại diện ủy quyền.

Vụ việc đã được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chuyển cho Hội đồng Khen thưởng kỷ luật xem xét. Qua đó cho thấy rằng việc vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 14, Luật Luật sư là liên tục xảy ra.

Để hạn chế tiến đến loại trừ hoàn toàn việc người tập sự hành nghề Luật sư lách luật để tham gia tố tụng theo đúng quy định của Luật Luật sư hiện hành, Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư cần thực hiện tốt chức năng tự quản của Đoàn Luật sư, cụ thể như sau:

- Tăng cường phổ biến pháp luật về Luật sư và Bộ Quy tắc Đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư cho những người tập sự hành nghề Luật sư ngay từ khi họ mới đăng ký tham gia tập sự tại Đoàn Luật sư.

- Thực hiện công tác giám sát người tập sự hành nghề Luật sư thông qua Luật sư hướng dẫn tại các tổ chức hành nghề Luật sư.

- Lập danh sách những người tập sự hành nghề Luật sư gửi đến các cấp Tòa án đề nghị hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Luật sư nêu trên.

- Lập văn bản nhắc nhở gửi đến các tổ chức hành nghề Luật sư, trong đó có ghi rõ biện pháp chế tài do Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định, khi phát hiện người tập sự hành nghề Luật sư lách luật để tham gia tố tụng theo ủy quyền đại diện.

Thạc sĩ, Luật sư TẠ QUANG TÒNG

Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Luật sư nhận tiền, lợi ích của cả hai bên là vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp