(LSO) - Điều 14 Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 xác định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người, có lịch sử nhận thức dài như nhân loại. Đặc biệt, thể hiện từ thế kỷ ánh sáng của thời kỳ Phục hưng tư sản, nhưng được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (UDHR).
Điều 12 Tuyên ngôn ghi nhận: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín cũng như bị xúc phạm về nhân phẩm hoặc uy tín của cá nhân. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại sự xúc phạm và can thiệp như vậy”. Quy định nêu trên sau đó được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và chính trị (ICCPR), trong đó nêu rằng: “(1) Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. (2) Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy”.
Quyền riêng tư cũng được thừa nhận trong các công ước nhân quyền khu vực. Điều 8 Công ước Nhân quyền châu Âu năm 1950 xác định: “Mọi người đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nhà ở và thư từ. Sẽ không có sự can thiệp của một cơ quan công quyền với việc thực hiện quyền này, ngoại trừ những việc phù hợp với luật pháp và đó là sự cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc các phúc lợi kinh tế của đất nước, cho công tác phòng chống rối loạn hoặc tội phạm, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo lý, hay để bảo vệ các quyền tự do của người khác”. Điều 11 Công ước Nhân quyền châu Mỹ cũng có quy định về quyền riêng tư với nội dung tương tự.
Về nội hàm của quyền riêng tư, năm 2004 Tổ chức Bảo mật quốc tế và Trung tâm Bảo mật thông tin điện tử đã công bố báo cáo nghiên cứu với tiêu đề “Sự riêng tư và nhân quyền”, khái quát hóa sự phát triển của pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư ở 50 quốc gia. Theo đó, quyền riêng tư được nhận thức bao gồm 4 nội dung chủ yếu như sau:
Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
Hai là, sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư từ, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Cùng với quá trình phát triển nhận thức về quyền riêng tư, các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan còn cho thấy có khái niệm “quyền được bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân”, là khái niệm gần gũi nhất với khái niệm “quyền riêng tư” nhưng có một số khía cạnh khác biệt, theo đó “quyền được bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân” được hiểu là: (i) Quyền được sở hữu các thông tin cá nhân, yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin chỉnh sửa thông tin cá nhân nhằm bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác của thông tin cá nhân của mình. (ii) Quyền cho phép bên thứ ba tiếp cận thông tin cá nhân của mình. (iii) Quyền yêu cầu nhà nước, các tổ chức hoặc chủ thể khác có liên quan có các biện pháp bảo đảm tính bí mật của thông tin, ví dụ như vô danh hóa thông tin cá nhân,… (iv) Quyền yêu cầu chủ thể nắm giữ thông tin bồi thường khi có hành vi xâm phạm thông tin trái pháp luật, gây thiệt hại cho cá nhân.
Quyền riêng tư còn được nhận thức như là “quyền về đời tư”, thực ra chỉ là khác nhau về cách gọi. Theo Luật Nhân quyền quốc tế, do quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối nên “quyền về đời tư” hay “quyền được bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân” cũng không phải là một quyền tuyệt đối. Trong một số trường hợp nhất định, nhà nước có quyền khai thác dữ liệu bí mật cá nhân mà không cần sự đồng ý của cá nhân đó.
Tương tự như nhiều quyền con người khác, quyền bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân có thể bị hạn chế để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội và các quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Trong Bình luận chung số 16 của Ủy ban Giám sát thực hiện ICCPR đã nêu rằng: “Với tất cả mọi người sống trong xã hội, việc bảo vệ bí mật riêng tư chỉ mang tính chất tương đối. Tuy nhiên, các nhà chức trách có thẩm quyền chỉ có quyền thu thập thông tin về đời tư của công dân khi những thông tin đó là cần thiết để bảo đảm lợi ích của cộng đồng như được quy định trong Công ước”[1].
Để phòng ngừa sự lạm dụng, Điều 17 ICCPR yêu cầu các trường hợp hạn chế quyền riêng tư phải được xác định rõ trong pháp luật quốc gia, phải dựa trên những lý do phù hợp, phải được người có thẩm quyền đưa ra theo quy định của luật và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Việc thu thập và lưu giữ những thông tin cá nhân trên máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các nhân viên nhà nước, các cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực tư nhân hay công quyền, đều phải dựa trên cơ sở quy định của luật pháp. Các nhà nước phải áp dụng những cách thức hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin về đời tư của một người không lọt vào tay những người không được pháp luật cho phép xử lý và sử dụng, và không bao giờ được sử dụng cho mục đích trái với Công ước.
Để bảo đảm sự bảo vệ đời tư hiệu quả nhất, mỗi cá nhân cần có quyền được biết những thông tin về bản thân mình được lưu trữ ở đâu và cho những mục đích gì. Mỗi cá nhân cũng cần có khả năng xác định được tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thu thập và quản lý những dữ liệu về bản thân mình. Nếu như hồ sơ lưu giữ không đúng thông tin cá nhân hay đã được thu thập hay xử lý trái với quy định pháp luật, mỗi cá nhân phải có quyền yêu cầu điều chỉnh và xóa bỏ những thông tin sai lệch.
Theo đoạn 10 của Bình luận số 16, việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù được thực hiện bởi bất cứ ai, bất cứ cơ quan công quyền nào cũng đều phải được quy định trong pháp luật. Trách nhiệm của nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước, vi phạm quyền riêng tư.
Điều 14 Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 xác định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Chương 2 Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đã xác định khá đầy đủ và hoàn chỉnh các quyền riêng tư của con người. Điều 21 và Điều 22 Hiến pháp quy định quyền riêng tư với tinh thần rất hiện đại, rất tiên tiến: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Điều 22 quy định công dân có quyền có nơi ở hợp pháp; mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. Điều 24 quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Điều 32 quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, trong tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai…, nếu có trưng mua hoặc trưng dụng thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân theo giá thị trường. Điều 36 quy định nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.
Điều 38 quy định mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng…
Nhận thức về quyền riêng tư trong pháp luật Việt Nam không chỉ thể hiện trong Hiến pháp. Trong Bộ luật Hình sự có quy định tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác tại Điều 125.
Về nhận thức pháp lý, các quyền nhân thân cũng chính là các quyền riêng tư vì gắn với từng người, mang thuộc tính riêng tư. Bộ luật Dân sự 2015 dành riêng một mục với 15 điều quy định chi tiết về những quyền nhân thân.
Theo đó, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự... phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình phải được người và gia đình đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân cũng được bảo đảm an toàn và bí mật.
Khi ký hợp đồng, các bên không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, giao dịch, thực hiện hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín còn có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết, theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên.
Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin nào thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin xấu đó có trách nhiệm phải hủy bỏ, gỡ bỏ thông tin, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đó. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu, người bị đưa tin có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cùng với quyền yêu cầu bác bỏ thông tin xấu, người bị đưa tin còn có quyền yêu cầu người đã sử dụng, đăng tải thông tin có trách nhiệm xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Thực tế cho thấy, quyền riêng tư có liên quan nhiều tới việc sử dụng hình ảnh cá nhân, vì thế việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người có hình ảnh đó đồng ý. Nếu sử dụng hình ảnh cá nhân vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự, người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, luật dân sự cũng có quy định về những trường hợp không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của người có hình ảnh mà vẫn được sử dụng, bao gồm: hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, phỏng vấn, họp báo, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng… và các sinh hoạt cộng đồng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, không vi phạm bản quyền.
Nhận thức pháp lý về quyền riêng tư còn bao gồm các quyền liên quan đến sinh lý thể chất và giới tính. Hiến pháp và pháp luật dân sự Việt Nam quy định cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật.
Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa, người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người, thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện. Ngay khi một người có cái chết bất thường thì quyền riêng tư của họ vẫn được bảo vệ.
Luật dân sự quy định việc khám nghiệm tử thi chỉ được thực hiện trong hai trường hợp sau: thứ nhất, có quyết định của người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; thứ hai, khi có sự đồng ý của người đó trước khi chết hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ trong trường hợp không có ý kiến của người đó trước khi chết. Ngày nay, quyền chuyển đổi giới tính cũng bắt đầu được xem là quyền riêng tư của người chuyển giới. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Kinh nghiệm lập pháp ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, luật bảo vệ quyền riêng tư (privacy law) có thể được ban hành với tư cách một luật độc lập, hoặc có các luật cụ thể gắn với từng lĩnh vực, chuyên ngành, chẳng hạn luật riêng tư về tài chính (financial privacy laws); luật riêng tư về y tế (health privacy laws); luật riêng tư trong giao tiếp (communication privacy laws); luật riêng tư trên internet (online privacy laws); luật riêng tư thông tin (information privacy laws); bảo vệ riêng tư tại gia đình (privacy in one’s home)… tùy theo nhận thức pháp lý và tính đặc thù cao ở mỗi quốc gia. Ở nước ta, các nội dung về quyền riêng tư đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật hình sự, dân sự, có sự tương thích căn bản với nhận thức chung trong các văn kiện pháp luật quốc tế.
Nhận thức về quyền riêng tư đã được ghi nhận khá rộng rãi và đầy đủ trong pháp luật, mặc dù vậy hiện nay quốc gia nào cũng đang có những vi phạm quyền này ở những mức độ khác nhau, nhưng không thể biện minh về sự vi phạm ấy để thiếu tôn trọng quyền riêng tư ở quốc gia mình.
Các cuộc tranh cãi sôi nổi đã bùng nổ tại Hoa Kỳ sau khi bang California và 8 bang khác ở miền tây nước Mỹ cho phép nhân viên an ninh cài thiết bị định vị toàn cầu (GPS) vào xe hơi của người dân để lén theo dõi họ mà không cần có sự cho phép của tòa án. Năm 2007, Cơ quan chống ma túy (DEA) đã lén đột nhập khu vực nhà của Pineda-Moreno và cài một thiết bị GPS vào xe của anh ta để theo dõi, sau đó 4 tháng đã bắt và truy tố anh ta với mức án 51 tháng tù. Pineda-Moreno đã kiện DEA ra tòa vì tội xâm phạm quyền riêng tư và đòi tòa án bãi bỏ các bằng chứng thu thập được từ thiết bị GPS.
Trên tạp chí Time, Luật sư Adam Cohen bình luận việc chính quyền cho phép các nhân viên an ninh thoải mái theo dõi người dân mà không cần trát tòa “là một quyết định nguy hiểm, có thể biến nước Mỹ thành một nước chuyên chế”. Năm 2013, cả thế giới chấn động khi Edward Snowden, một cựu nhân viên CIA, tiết lộ Mỹ và các đồng minh đang giám sát toàn bộ thế giới mạng. Từ đây, một cuộc tranh luận nóng bỏng liên lục địa đã bùng nổ và câu hỏi được đặt ra là: quyền riêng tư hiện nay trong thời đại thông tin quan trọng đến đâu và được bảo vệ như thế nào? Sự phát triển của mạng lưới Uber toàn cầu đến năm 2017 mới đây xuất hiện việc hãng này nắm giữ bí mật thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người lại gây ra bức xúc mới: làm thế nào bảo vệ được quyền riêng tư trong cách mạng 4.0?
Khi được hỏi về những cách thức khác nhau mà Google đang áp dụng khiến quyền riêng tư của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bị xâm phạm, ông Schmidt, người đã từng làm CEO của Google trả lời lạnh lùng theo kiểu quyền riêng tư hiện nay chẳng còn mấy quan trọng: “Nếu các vị đang làm việc mà các vị chẳng muốn ai biết, có lẽ ngay từ đầu các vị đừng làm việc ấy thì hơn”.
Ở Việt Nam, quyền riêng tư đã được xác định khá đầy đủ và hiện đại trong Hiến pháp và luật như đã phân tích ở trên, nhưng việc thực hiện quyền riêng tư trong thực tế vẫn đang còn rất nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa có tính thời sự cao, đặc biệt trong hoàn cảnh cách mạng công nghệ hiện đại. Ngay từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã nêu một số bất cập trong bảo vệ quyền con người, trong đó có các quyền riêng tư.
Trong thế giới sôi động mạng xã hội, các nhà mạng di động tung ra dịch vụ cho phép các thuê bao của mạng này biết được vị trí người khác cùng thuê bao qua tin nhắn SMS đã làm nhiều người đang lo ngại dịch vụ này hoàn toàn có thể bị lợi dụng để xâm phạm đời tư, gây xáo trộn đời sống tinh thần riêng biệt của mỗi người. Vì thế, cùng với mặt tiến bộ và tích cực trong phát triển mạng xã hội là các tác động tiêu cực, xúc phạm đời tư. Đã có những trường hợp nữ sinh phải tự tử do bị bạn trai đưa trộm clip sex lên mạng. Chỉ một bài phát biểu trong hội thảo về thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt cũng có thể gây bão dông, sẵn sàng và sục sôi xúc phạm nhân thân và quyền riêng tư của tác giả.
Có một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới là quyền riêng tư của người nổi tiếng hay có danh vị cao đang ngày càng bị xâm phạm nhiều hơn trên báo chí và trên mạng xã hội. Độc giả càng tò mò về cuộc sống của những người nổi tiếng thì cuộc sống riêng tư và nhân thân của họ càng bị xoi mói nhiều hơn. Ngay các nhà lập pháp và mỗi công dân dù nổi tiếng hay không đều đang đứng trước những thử thách về cách ứng xử với quyền riêng tư.
Trước đây ở Việt Nam, một nụ hôn nhau thầm kín nếu bị lộ thì xấu hổ và người thân càng cảm thấy xấu hổ hơn, thậm chí nhiều trường hợp bị sỉ nhục, nhưng bây giờ không ít thanh niên sẵn sàng chụp lén người tình sexy để đưa lên mạng, thậm chí sẵn sàng tự sexy đưa lên mạng xã hội để thu hút sự chú ý và có cơ hội nổi tiếng theo kiểu scandal. Đáng chú ý là có một số giới săn tin nước ngoài và trong nước còn trả tiền rất cao cho những thông tin, những tấm hình bộc lộ đời tư như vậy. Đa số người nổi tiếng, từ các chính khách, các thương nhân cho đến các nghệ sĩ, cầu thủ, người mẫu và tuyệt đại đa số công dân... chẳng thích thú gì với việc cuộc sống riêng tư cá nhân của mình bị phơi bày ra như thế, trừ trường hợp những người cố tình tạo ra scandal hoặc cố tình để lộ thông tin cá nhân. Đó là chưa kể các quyền riêng tư bị xúc phạm trong lĩnh vực hành chính, tư pháp: việc bắt giữ người và tra tấn, đánh đập hành hung trái pháp luật, việc đặt ra và thực hiện các chính sách chỉ thuận tiện cho quản lý mà không có lợi cho từng người dân, việc các sai trái trong cấp đất, cho thuê đất và sử dụng đất… không ít trường hợp đã xúc phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của mỗi người.
Một nghịch lý thực tế đang diễn ra: có những người không xem trọng và không tôn trọng quyền riêng tư của người khác nhưng lại tìm mọi cách để có được và bảo vệ, bưng bít quyền riêng tư của chính họ. Trong khi nói quyền riêng tư không quan trọng, nhưng bản thân họ thực hiện đủ mọi cách để bảo vệ quyền riêng tư của mình, đặt mật khẩu kỹ lưỡng cho đủ các loại tài khoản, lắp khóa cửa cẩn thận phòng ngủ, phòng tắm, két sắt, các giao tiếp bí mật… để ngăn chặn người khác xâm phạm không gian riêng tư và biết được những điều mà họ không muốn người khác biết, nhưng đồng thời sẵn sàng và tìm mọi cách để xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Quyền riêng tư vì thế không chỉ là khái niệm pháp lý mà còn là phạm trù đạo đức.
Phân tích trên đây cho thấy, nhận thức pháp lý về quyền riêng tư đã được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận khá rõ ràng, khá đầy đủ. Tuy nhiên hiện nay dường như vấn đề không còn nằm ở sự ghi nhận của pháp luật về quyền riêng tư mà nằm ở bảo đảm thực thi quyền riêng tư trong thực tế. Tôn trọng con người và quyền con người chính là tôn trọng quyền riêng tư và ngược lại, tôn trọng quyền riêng tư là tôn trọng con người. Tôn trọng quyền riêng tư là văn hóa, là văn minh, là ứng xử nhân văn giữa người với người, giữa nhà nước và công dân, không chỉ được thể hiện ở tư tưởng chính sách và pháp luật mà quan trọng hơn, phải được thực thi trong cuộc sống.
PGS. TS. LS. CHU HỒNG THANH
______________________ [1] Human Rights Committee, General Comment No. 16 - Article 17 (The right to respect of privacy, family, home and correspondence, and protection of honour and reputation), tại http://tbinternet.ohchr.org/_layouts/treatybodyexternal/TBSearch.aspx?Lang=en&TreatyID=8&DocTypeID=11 |