Ảnh minh họa.
Quy định của pháp luật
Điều 307 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định: “1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án”.
Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán và những người tiến hành tố tụng khác phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án. Xác định rõ những vấn đề nào cần phải làm rõ đối với vụ án, những vấn đề còn có mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án và lên kế hoạch xét hỏi một cách cụ thể, tỉ mỉ. Trên cơ sở kế hoạch xét hỏi, Chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi và quyết định thứ tự xét hỏi.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 307, BLTTHS thì khi xét hỏi, Hội đồng xét xử (HĐXX) làm rõ các vấn đề có ý nghĩa chứng minh đối với vụ án, hỏi về các tình tiết định tội, định khung hình phạt trước; sau đó hỏi về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các đặc điểm về nhân thân của bị cáo; hỏi về vấn đề bồi thường thiệt hại và xử lý vật chứng, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Trên cơ sở những vấn đề đã được làm sáng tỏ, HĐXX có thể chốt được những vấn đề cần giải quyết của vụ án.
Đối với những vụ án đồng phạm đơn giản thì có thể xét hỏi bị cáo đầu vụ trước và sau đó hỏi các bị cáo khác có ý kiến gì khác hoặc bổ sung thêm vào lời khai của bị cáo trước đó hay không.
Đối với những vụ án đơn giản, bị cáo nhận tội thì có thể hỏi bị cáo đó hoặc bị cáo chính trước, sau đó mới hỏi các bị cáo còn lại và những người tham gia tố tụng khác...
Đối với những vụ án phức tạp mà bị cáo hoặc bị cáo chính chối tội, thì có thể hỏi bị cáo nhận tội hoặc bị hại trước, sau đó hỏi bị cáo chính.
Về thứ tự xét hỏi: Theo quy định tại khoản 2, Điều 307, BLTTHS quy định Chủ tọa phiên tòa là người hỏi trước sau đó quyết định để những chủ thể khác tham gia xét hỏi. Đây là điểm mới so với quy định tại khoản 2, Điều 207, BLTTHS 2003 “Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định”.
Ở BLTTHS 2003 đã ấn định rõ thứ tự xét hỏi của những thành phần tham gia phiên tòa là Chủ tọa rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 đã có quy định mới xác định người xét hỏi đầu tiên là Chủ tọa. Việc xét hỏi đầu tiên này không nhằm mục đích tìm chứng cứ buộc tội hay gỡ tội mà hỏi để quyết định thứ tự hỏi tiếp theo của các chủ thể khác. Thông thường, Chủ tọa phiên tòa sẽ hỏi xem bị cáo có nghe rõ và có thực hiện hành vi như cáo trạng mà Viện kiểm sát (VKS) đã truy tố hay không. Nếu bị cáo nhận tội thì có thể chủ tọa sẽ tiếp tục hỏi để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề nữa của vụ án. Còn nếu bị cáo trả lời là không thực hiện hành vi như cáo trạng truy tố thì Chủ tọa sẽ yêu cầu đại diện VKS tham gia xét hỏi để làm rõ các nội dung mà VKS buộc tội cũng như để bảo vệ cáo trạng mà VKS đã truy tố bị can ra trước Tòa án.
HĐXX phải lắng nghe các câu trả lời của bị cáo cũng như không được quá tin tưởng vào những lời khai của bị cáo có trong hồ sơ vụ án để định tội. Mọi sự thật khách quan của vụ án phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa. HĐXX phải khách quan, công minh và coi trọng quyền bào chữa của bị cáo, không được bức cung, mớm cung hay có những cử chỉ, lời nói xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bị cáo. Chủ tọa phiên tòa và các thành viên khác của HĐXX không được có những câu nói răn đe hay khuyên bị cáo phải thành khẩn khai báo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước vì điều này sẽ tạo áp lực đối với bị cáo và có thể khiến cho bị cáo khai không đúng sự thật.
Cùng với việc trực tiếp xét hỏi, nghe KSV, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đặt câu hỏi, HĐXX, KSV công bố lời khai của người được xét hỏi trong giai đoạn điều tra và truy tố. Trong trường hợp người được xét hỏi tham gia phiên tòa thì HĐXX, KSV không được công bố lời khai của họ ở những giai đoạn trước nếu chưa xét hỏi họ tại phiên tòa. HĐXX và KSV chỉ được công bố lời khai trong các trường hợp lời khai của những người này mâu thuẫn với lời khai của chính họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
Những người tham gia phiên tòa bao gồm bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và những người đại diện hợp pháp của họ không có quyền xét hỏi nhưng có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ của vụ án. Khi có người đề nghị về việc hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ thì Chủ tọa phiên tòa phải xem xét và quyết định. Nếu đề nghị được chấp nhận thì Chủ tọa phiên tòa có thể trực tiếp hỏi hoặc yêu cầu những thành phần có liên quan xét hỏi để làm rõ về những nội dung mà những người tham gia tố tụng khác đề nghị.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật lập pháp. Điều 307 với tên gọi là “Trình tự xét hỏi” tuy nhiên tên của điều luật chưa bao quát hết toàn bộ nội dung của điều luật. Trình tự xét hỏi có thể được hiểu là sự sắp xếp các chủ thể được quyền xét hỏi và tham gia xét hỏi theo một trật tự hợp lý. Tuy nhiên, tại khoản 1 của Điều 307 không chỉ đề cập đến trình tự xét hỏi mà còn quy định về phạm vi và nội dung xét hỏi còn các khoản còn lại quy định việc điều hành của Chủ tọa phiên tòa đối với phần xét hỏi. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị đổi tên Điều 307 là “Phạm vi, nội dung và trình tự xét hỏi”.
Thứ hai, tinh thần của cải cách tư pháp là đề cao tranh tụng. Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, đại diện VKS giữ quyền công tố, đưa ra lời buộc tội trong khi bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa nhằm bác bỏ một phần hoặc toàn bộ lời buộc tội của VKS. Còn HĐXX tham gia phiên tòa với tư cách người “trọng tài” xem xét tính hợp pháp, hợp lý và đưa ra quyết định cuối cùng mang tính công bằng, vô tư, khách quan nhất.
BLTTHS 2015 đã có những quy định mới và tiến bộ hơn so với BLTTHS 2003 về trình tự xét hỏi. Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự đề cao hoạt động tranh tụng theo đúng tinh thần của cải cách tư pháp hiện nay. Mặc dù HĐXX không phải là chủ thể buộc tội hay gỡ tội nhưng Điều 307 vẫn quy định: “HĐXX phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người” mà đáng lẽ vai trò này thuộc về Kiểm sát viên (KSV). Khi KSV làm rõ những tình tiết của vụ án và đối với vụ án có nhiều bị cáo và phạm nhiều tội khác nhau thì KSV phải xét hỏi từng bị cáo và làm rõ những điều cần phải chứng minh đối với từng tội danh truy tố. Khi xét hỏi xong bị cáo này mới chuyển sang xét hỏi bị cáo khác. VKS là chủ thể buộc tội các bị cáo ra trước Tòa án nên đại diện VKS phải hỏi bị cáo trước. Trong quá trình xét hỏi bị cáo nếu cần làm rõ thêm nội dung gì liên quan đến bị hại, người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác thì có thể đề nghị Chủ tọa cho phép hỏi những người này để làm sáng tỏ những nội dung của vụ án.
Chủ tọa phiên tòa điều khiển phiên tòa và điều hành phần xét hỏi phải hỏi. Để có cơ sở ra phán quyết của mình đối với vụ án, HĐXX phải tạo điều kiện cho các bên tham gia xét hỏi. Với vai trò là “trọng tài” giữa bên buộc tội và gỡ tội thì HĐXX sẽ hỏi từng người về quan điểm mình đối với nội dung mà cáo trạng của VKS đã truy tố và hỏi về những vấn đề còn chưa rõ và còn mâu thuẫn qua quá trình điều hành và theo dõi phần xét hỏi. Khi thấy cần thiết, HĐXX có thể yêu cầu các bên hỏi về vấn đề cụ thể để làm rõ thêm một số nội dung cần cho việc giải quyết vụ án.
Thứ ba, đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa không có quyền xét hỏi nhưng có thể đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm một số vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để đảm bảo quyền lợi của những chủ thể này, theo tác giả nếu được sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa thì những chủ thể này có thể được đặt câu hỏi liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc đề nghị Chủ tọa cho những thành phần khác hỏi thêm một số vấn đề liên quan. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi đoạn 2 của khoản 2, Điều 307 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “hoặc cho xét hỏi” sau cụm từ “Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm”.
Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 307, BLTTHS theo hướng như sau:
"Điều 307: Phạm vi, nội dung và trình tự xét hỏi.
1. KSV phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước để biết quan điểm của họ về những vấn đề về nội dung cáo trạng truy tố liên quan đến họ sau đó quyết định để những thành phần khác tham gia xét hỏi. Khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể trực tiếp hỏi hoặc yêu cầu các bên hỏi về những vấn đề cụ thể để làm rõ thêm một số nội dung cần cho việc giải quyết vụ án.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc cho xét hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ...”.
HOÀNG ĐÌNH DŨNG
Tòa án Quân sự Quân khu 4
Thay đổi đột phá của Nghị định 35/2022/NĐ-CP: Thực sự ‘cởi trói’ cho đơn vị phát triển hạ tầng KCN?