/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Việc lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi trước khi mở phiên tòa trong vụ án xâm hại tình dục

Việc lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi trước khi mở phiên tòa trong vụ án xâm hại tình dục

07/03/2023 08:44 |

(LSVN) - Trẻ em là đối tượng được pháp luật Việt Nam quan tâm chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, toàn diện mọi mặt. Tuy nhiên, thực tế các hành vi xâm hại trẻ em, trong đó không thể không kể đến nhóm hành vi xâm hại tình dục đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại, diễn biến phức tạp. Việc đưa các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi ra xét xử công minh không chỉ đơn thuần như các vụ án khác là trừng phạt, giáo dục người phạm tội, bảo vệ quyền lợi cho các bên mà còn phải bảo đảm yêu cầu bảo vệ sự phát triển về sau cho người đó. Chính vì vậy, việc mở phiên tòa cũng có nhiều điểm riêng, trong đó có việc lấy lời khai của bị hại trước khi mở phiên tòa nhằm hạn chế việc triệu tập họ trực tiếp tham gia phiên tòa.

 

Ảnh minh họa.

Quy định về việc triệu tập, lấy lời khai của bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục

Theo quy định tại Điều 423, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015, đối với vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi, HĐXX phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại với bị cáo khi bị hại trình bày lời khai tại phiên tòa.

Tại TTLT số 01/2022/TTT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022: Trường hợp Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị triệu tập bị hại đến phiên tòa thì Tòa án xem xét quyết định việc triệu tập đến phiên tòa. Nếu buộc phải triệu tập bị hại có mặt tại phiên tòa thì bố trí phòng xử án phù hợp hoặc phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo tại phiên tòa; xem xét, đề nghị bác sĩ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ bị hại, áp dụng các biện pháp bảo vệ bị hại tại phiên tòa.

Tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện: Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...). Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.

Như vậy, đối với việc triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, Tòa án cần hạn chế triệu tập họ đến phiên tòa. Nếu Kiểm sát viên đề nghị Tòa án triệu tập thì Tòa án căn cứ vào hồ sơ, quyết định có triệu tập hay không. Quy định trên cũng đã nêu rõ, Tòa sẽ không triệu tập nếu xét thấy vụ án vẫn được giải quyết bằng các biện pháp khác như sử dụng lời khai có trong hồ sơ, mời họ đến Tòa án để lấy lời khai trước bằng văn bản.

Một số vấn đề đặt ra

Căn cứ vào quy định của BLTTHS và quy định nêu trên, việc quyết định có triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục đến phiên tòa hay không thuộc thẩm quyền của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này cũng đi kèm với những ràng buộc, đó là việc không triệu tập thì vụ án phải thuộc trường hợp “vẫn giải quyết được” bằng các biện pháp khác, trong đó có biện pháp lấy lời khai trước khi mở phiên tòa.

Vấn đề thứ nhất, đối với việc quyết định triệu tập

Quy định của pháp luật còn chung chung, chưa có một cơ sở cụ thể để Thẩm phán xem xét, việc đánh giá một vụ án cụ thể có thuộc trường hợp “vẫn giải quyết được” hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán. Trong khi đó, “vẫn giải quyết được” vụ án sẽ cho ra nhiều kết quả khác nhau. Có Thẩm phán cho rằng, bởi vì bị hại đã có nhiều lời khai trong hồ sơ thì Hội đồng xét xửu sẽ căn cứ vào đó để giải quyết mà không quan tâm đến việc những lời khai đó có mâu thuẫn với nhau hay không? Có Thẩm phán cho rằng, do thời gian xảy ra sự việc đã tương đối lâu, bị hại còn quá nhỏ, do đó không cần thiết triệu tập bởi vì khó bảo đảm tính khách quan và có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bị hại khi phải nhớ lại sự việc. Những quan điểm đó hoàn toàn chủ quan, bởi việc giải quyết vụ án luôn luôn đòi hỏi sự khách quan, công bằng đối với cả bị cáo lẫn bị hại. Chính vì vậy, thiết nghĩ cần có quy định ràng buộc rõ ràng hơn, theo đó, Thẩm phán sẽ không triệu tập nếu lời khai của bị hại trong hồ sơ đã đầy đủ, thống nhất. Nếu không triệu tập, lời khai không đầy đủ, thống nhất thì Tòa án phải tổ chức lấy lời khai trước khi mở phiên tòa.

Vấn đề thứ hai, về việc tổ chức lấy lời khai trước khi mở phiên tòa

Liên quan đến vấn đề này, chỉ có một quy định tại Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP là: "Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...)". Theo đó, Nghị quyết cho phép Tòa án tổ chức lấy lời khai.

Trước tiên, về thẩm quyền, hiện nay, có hai luồng quan điểm về thẩm quyền của Tòa án trong việc lấy lời khai bị hại trước khi mở phiên tòa. Quan điểm thứ nhất, theo Điều 252, BLTTHS, Tòa án tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ thông qua các hoạt động là: Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; Xem xét tại chỗ vật chứng, nơi xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; Trường hợp đã yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ nhưng VKS không bổ sung được. Riêng đối với trường hợp VKS không bổ sung được chứng cứ khi Tòa án yêu cầu, Tòa án cũng chỉ được xác minh, thu thập theo các hình thức nêu trên, trong đó không có việc lấy lời khai. Do đó, quy định của Nghị quyết 06 là không phù hợp với BLTTHS, theo nguyên tắc hiệu lực, Tòa án không được phép thực hiện việc lấy lời khai. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng, Tòa án hoàn toàn có quyền lấy lời khai của bị hại theo Nghị quyết 06 bởi vì đây là văn bản quy định trực tiếp về việc xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Đồng thời, việc làm như vậy là rất cần thiết trong loại vụ án này.

Thứ hai, về thủ tục tổ chức lấy lời khai, theo quy định trên, Tòa án “mời” họ đến Tòa án hoặc địa điểm khác để lấy lời khai. Như vậy, theo đúng câu chữ của Nghị quyết, Tòa án phải “mời”. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa án sẽ tiến hành “triệu tập” chứ không “mời”. Một số trường hợp VKS không đồng tình và đề nghị Tòa án thực hiện đúng quy định, phải ban hành “giấy mời” chứ không phải “giấy triệu tập”. Tuy nhiên, Tòa án không đồng ý. Trong trường hợp này, tác giả đồng ý với cách xử lý của Tòa án. Tòa án là cơ quan nhà nước, thực hiện việc giải quyết vụ án, tất cả các công việc của Tòa án đối với các thành phần tham gia tố tụng đều thể hiện dưới dạng “triệu tập” như triệu tập thành phần tham gia tố tụng tại phiên tòa, triệu tập đương sự, triệu tập người khác đến giải quyết công việc… Do đó, lấy lời khai cũng là một hoạt động trong quá trình giải quyết án, Tòa cần “triệu tập” chứ không “mời”. Mặt khác, để nâng cao tính pháp lý, tính trách nhiệm thì rõ ràng, việc “triệu tập” sẽ ràng buộc nhiều hơn, trong một số trường hợp nếu được triệu tập nhưng không có mặt, Tòa án có thể ra quyết định áp giải, dẫn giải. Nhưng nếu là “giấy mời” thì việc có mặt hay không lại do người đó quyết định. Chính vì thế, cần sửa đổi quy định này theo hướng “triệu tập” chứ không phải “mời”.

Thứ ba, về thành phần tham gia, vẫn từ quy định của Nghị quyết nêu trên, Tòa án phải mời “họ” đến lấy lời khai. Vậy, thành phần tham gia buổi lấy lời khai đó là “họ”, có nghĩa là số nhiều, nhưng gồm những ai thì chưa có sự cụ thể. Có người cho rằng, việc lấy lời khai này có thành phần tương tự như việc lấy lời khai ở giai đoạn điều tra, truy tố. Cụ thể là Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị hại và Thư ký. Có người lại cho rằng, trước khi mở phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể đã được thành lập hoặc chưa, nếu HĐXX đã thành lập thì thành phần phải bao gồm cả HĐXX chứ không chỉ riêng Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa. Có người khác lại cho rằng, ngoài các thành phần trên phải có sự tham gia của đại diện VKS. Có người khác nữa lại cho rằng, về bản chất việc lấy lời khai bị hại trước khi mở phiên tòa là thay thế cho việc triệu tập người đó đến phiên tòa. Nếu triệu tập, tại phiên tòa Hội đồng xét xử, Kiểm Sát viên, người bào chữa, bị cáo đều có quyền hỏi, đề nghị hỏi đối với bị hại, do đó, thành phần tham gia phải bao gồm tất cả những người này để họ thực hiện quyền hỏi, đề nghị hỏi của mình.

Theo quan điểm của tác giả, việc lấy lời khai này có bản chất đúng như quan điểm cuối cùng nêu trên, là để thay thế cho việc triệu tập họ đến phiên tòa. Tuy nhiên, cần xét thêm về bản chất của việc không triệu tập họ đến phiên tòa, không chỉ đơn giản là để họ không tiếp xúc với phòng xử án, không tiếp xúc với bị cáo, với không khí pháp đình. Mà bên cạnh đó, còn có ý nghĩa bảo đảm cho việc lấy lời khai được diễn ra thuận tiện nhất, hiệu quả nhất. Nếu buổi lấy lời khai có đầy đủ thành phần nêu trên, thì ý nghĩa đó sẽ khó có thể bảo đảm được. Do đó, buổi lấy lời khai chỉ nên bao gồm Hội đồng xét xử, Thư ký, bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Sau đó, biên bản lấy lời khai sẽ được gửi cho VKS làm tài liệu để Kiểm sát viên kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố. Tại phiên tòa, biên bản sẽ được công bố nhằm tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền bào chữa của họ.

Thứ tư, giải quyết tình huống khi các thành phần vắng mặt, đối với nội dung này, tác giả đưa ra hai tình huống phổ biến là đại diện của bị hại vắng mặt; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại vắng mặt. Đối với trường hợp thứ nhất, nếu đại diện của bị hại vắng mặt nhưng có mặt bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Lúc này, mặc dù có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại thì Tòa án cũng sẽ không tiến hành việc lấy lời khai. Trường hợp thứ hai, nếu vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; lúc này Tòa án sẽ vẫn tiếp tục tiến hành lấy lời khai, trừ trường hợp bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại không đồng ý thì Tòa án sẽ không tiến hành. Tuy nhiên, thực tế vẫn có Tòa án xử lý khác với quan điểm trên. Tiếp theo, nếu Tòa án quyết định dừng buổi lấy lời khai, thì hệ quả tiếp theo sẽ như thế nào khi ngày mở phiên tòa đã được ấn định. Liệu Tòa án tiếp tục mở phiên tòa mà không lấy lời khai trước thì có bảo đảm hiệu quả xét xử hay không? Nhưng nếu không mở phiên tòa thì Tòa án cũng không có cách giải quyết nào khác? Do đó, cần bổ sung hướng dẫn là Tòa án được phép hoãn phiên tòa nếu chưa thực hiện được việc lấy lời khai vì các nguyên nhân trên.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của Tòa án, đây là một trong những vấn đề gây băn khoăn nhiều nhất. Với tư cách là trọng tài tố tụng, Tòa án phải tận dụng tối đa các quyền của mình nhằm bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính xác cho các bên trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, bởi vì quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc thực hiện trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, cần sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp về những vấn đề này.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Khu vực Hải Quân

Ưu và nhược điểm của nguyên tắc mặc cả thú tội trong tư pháp hình sự của Mỹ

 

Nguyễn Hoàng Lâm