/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xác định nơi bị đơn cư trú trong vụ án dân sự đối với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù

Xác định nơi bị đơn cư trú trong vụ án dân sự đối với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù

08/08/2023 06:30 |

(LSVN) - Quy định về xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đã xuất hiện từ sớm trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Việc xác định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Để xác định được thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, việc xác định nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của bị đơn có ý nghĩa rất quan trọng. Qua thực tế, vấn đề xác định nơi bị đơn cư trú đối với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù vẫn chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tồn tại một số bất cập. Trong bài viết này, tác giả bình luận một vụ án dân sự có bị đơn là người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị để giải quyết các tồn tại liên quan đến vấn đề này trong thời gian đến.


Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Khởi kiện vụ án dân sự là một trong các biện pháp quan trọng để chủ thể quan hệ dân sự có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam[1]. Việc quy định và thực hiện nguyên tắc này giúp đảm bảo quyền được tiếp cận công lý của công dân, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam[2]. Bên cạnh quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền tranh tụng của đương sự và những người tham gia tố tụng khác cũng được ghi nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam[3]. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xem việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Kết quả tranh tụng của các bên tại phiên tòa là một trong những cơ sở quan trọng để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khác với các đối tượng đương sự khác, người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù phải chịu sự quản lý, giam giữ, cải tạo của các chủ thể có thẩm quyền[4]. Mặc dù vậy, nhìn chung, pháp luật quốc tế có xu hướng cố gắng bảo vệ các quyền con người của đối tượng này. Chẳng hạn, nguyên tắc 3 Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào năm 1988 (được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết số 43/173 ngày 9/12/1988) quy định: “Không được hạn chế hoặc xâm phạm bất kỳ quyền con người nào của những người bị giam hoặc bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào mà đã được công nhận hay tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào theo luật pháp, các công ước, những quy định hay phong tục ở quốc gia đó …”. Hay nguyên tắc 5, Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân năm 1990 (được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết số 45/111 ngày 14/12/1990) quy định: “Ngoại trừ những hạn chế rõ ràng cần thiết cho việc giam giữ, mọi tù nhân phải tiếp tục được hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người…”. Trong các quyền con người mà pháp luật quốc tế yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm cho người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù, có các quyền dân sự và quyền kinh tế. Việc bảo đảm quyền tranh tụng cho người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù khi họ tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự góp phần bảo đảm các quyền con người về dân sự và kinh tế của họ.

Việc xác định nơi bị đơn cư trú có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự khi có yêu cầu khởi kiện của đương sự. Về nguyên tắc, trừ một số trường hợp được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, pháp luật tố tụng dân sự có xu hướng giao thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự cho Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở. Bởi vì bị đơn thường có xu hướng bị động trong quá trình tham gia tố tụng hơn so với nguyên đơn, nên việc giao thẩm quyền giải quyết cho Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bị đơn trong quá trình tham gia tố tụng. Quy định này cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng và thực hiện các thủ tục tố tụng khác của Tòa án, qua đó giúp Tòa án thực hiện các thủ tục giải quyết các vụ án dân sự một cách dễ dàng hơn[5]. Việc tham gia đầy đủ của những người tham gia tố tụng cũng giúp Tòa án đánh giá khách quan, toàn diện và chính xác hơn các tình tiết, sự kiện, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề xác định nơi cư trú của người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù còn chưa được quy định rõ dẫn đến một số khó khăn cho các Tòa án và bản thân những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Trong bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu một vụ án cụ thể về xác định nơi bị đơn cư trú trong vụ án dân sự là người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù tại TAND TP. Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đưa ra các bình luận và kiến nghị về xác định nơi bị đơn cư trú trong vụ án dân sự là người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù.

Tóm tắt nội dung vụ án

Năm 2021, bà Dương Thị Duyên H., địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh khởi kiện ông Nguyễn Phước Trung B., địa chỉ tại quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng để yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng và giành quyền nuôi con. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông B. đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an TP. Cần Thơ, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ và sau đó chấp hành án phạt tù theo Bản án số 05/2022/HS-PT ngày 27/01/2022 của TAND TP. Cần Thơ tại Trại giam Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, bà H. đã nộp đơn khởi kiện ra TAND quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ – nơi ông B. (bị đơn) đang bị tạm giam để yêu cầu giải quyết. Đến ngày 14/6/2021, TAND quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã có Thông báo số 25/TB-TA về việc trả lại đơn khởi kiện. Theo đó, TAND quận Bình Thủy cho rằng: “Xét thấy, phía người bị kiện ông Nguyễn Phước Trung B. có địa chỉ thường trú tại số 172 Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Hiện nay ông B. đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an TP. Cần Thơ. Trại tạm giam Công an TP. Cần Thơ không phải là nơi cư trú của ông B.”. Trên cơ sở đó, TAND quận Bình Thủy đã trả lại đơn khởi kiện cho bà H. vì cho rằng yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án này. Vụ án sau đó được TAND quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm và được TAND TP. Đà Nẵng thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Trong vụ án này, bà Công Tằng Tôn Nữ Bích P., là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo bản án sơ thẩm vì cho rằng TAND quận Cẩm Lệ thụ lý, giải quyết là không đúng thẩm quyền. Trong Bản án phúc thẩm số 07/2023/HNGĐ-PT ngày 10/5/2023 của TAND TP. Đà Nẵng, Hội đồng xét xử đã nhận định rằng: “Trong vụ án này nguyên đơn bà Dương Thị Duyên H. khởi kiện đối với bị đơn ông Nguyễn Phước Trung B. có địa chỉ tại số 172 đường Hà Huy Giáp, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, ngoài ra không có đương sự nào ở nước ngoài, cũng không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Do đó, căn cứ khoản 1, Điều 35; khoản 1, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng là đúng thẩm quyền”.

Về việc tham gia phiên tòa của bị đơn, trong suốt quá trình tố tụng, ông B luôn yêu cầu chỉ đưa vụ án ra xét xử khi có ông tham gia. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, ông B đã không tham dự được vì còn đang bị tạm giam và chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an TP. Cần ThơTrại giam Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình xét xử phúc thẩm, TAND TP. Đà Nẵng đã liên tục ra các Quyết định hoãn phiên tòa số 04/2023/QĐ-PT ngày 10/02/2023, số 06/2023/QĐ-PT ngày 10/03/2023, số 08/2023/QĐ-PT ngày 10/04/2023 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 33/2023/TB-TA ngày 08/5/2023. Đến ngày 10/5/2023, khi bị đơn đã chấp hành xong án phạt tù và có thể tham dự phiên tòa, TAND TP. Đà Nẵng mới mở phiên tòa và tuyên án.

Bình luận về vấn đề xác định nơi bị đơn cư trú trong vụ án dân sự đối với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù

Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, trừ trường hợp các đương sự có thỏa thuận với nhau và đối tượng tranh chấp là bất động sản, khoản 1, Điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở có thẩm quyền giải quyết vụ án. Như vậy, để xác định đúng thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, cần phải xác định được nơi cư trú của bị đơn. Vấn đề nơi cư trú của bị đơn được quy định trong một số văn bản quy phạm của pháp luật hiện hành. Đầu tiên, khoản 1, Điều 40, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Nói cách khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nơi cư trú của cá nhân là nơi diễn ra những sinh hoạt cá nhân của người đó. Bộ luật Dân sự 2015 không có quy định về việc xác định nơi cư trú của cá nhân theo địa chỉ đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Bên cạnh Bộ luật Dân sự 2015, Luật Cư trú 2020 cũng quy định rõ một số vấn đề liên quan. Khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú 2020 quy định: “Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú”. Luật Cư trú 2020 cũng quy định việc xác định nơi cư trú đối với một số đối tượng như người chưa thành niên; người được giám hộ; vợ, chồng; người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang; người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không có nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; người không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Mặc dù vậy, Luật Cư trú 2020 lại không có quy định cụ thể về việc xác định nơi cư trú của người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên có thể thông qua các quy định về nơi cư trú của một số đối tượng đã nêu ở trên để xác định tinh thần của Luật Cư trú 2020 về vấn đề này, qua đó, có thể áp dụng tương tự pháp luật cho trường hợp xác định nơi cư trú đối với người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù. Qua quy định về xác định nơi cư trú của một số đối tượng đã nêu ở trên, có thể thấy tinh thần của Luật Cư trú 2020 về xác định nơi cư trú của một người là nơi người đó đang thực tế sinh sống và không đồng nhất nơi cư trú của họ với địa chỉ đăng ký thường trú hay đăng ký tạm trú. Chẳng hạn, Điều 15 Luật Cư trú 2020 xác định nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú khác theo quy định của pháp luật. Hay Điều 18 Luật Cư trú 2020 xác định nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp là cơ sở trợ giúp xã hội hoặc của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Thậm chí, đối với người làm nghề lưu động trên các phương tiện có khả năng di chuyển, Điều 16 Luật Cư trú 2020 quy định nơi cư trú của đối tượng này không phải là nơi đăng ký thường trú hay tạm trú, mà là nơi đăng ký phương tiện hoặc nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ. Từ các quy định trên, nhóm tác giả cho rằng nên xác định nơi cư trú của người đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù là nơi người đó đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù để phù hợp với tinh thần chung của pháp luật hiện hành về cư trú.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn xét xử, có thể thấy rằng nếu không xác định nơi cư trú của bị đơn đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù là nơi người đó đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với cả các cơ quan tiến hành tố tụng và các đương sự. Chẳng hạn, trong vụ án đã được giới thiệu ở trên, các Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tại TP. Đà Nẵng đã gặp khó khăn trong việc triệu tập đương sự trong quá trình tố tụng bởi vì nguyên đơn cư trú ở TP. Hồ Chí Minh, còn bị đơn thì đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an TP. Cần Thơ để phục vụ cho quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự khác. Bản thân bị đơn trong vụ án này đã có nguyện vọng tha thiết trong việc được trực tiếp tham gia phiên tòa nhưng vì khoảng cách địa lý nên việc trích xuất phạm nhân để tham gia xét xử gặp nhiều khó khăn và không thực hiện được. Vì vậy, quyền tranh tụng của bị đơn đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù trong vụ án này đã bị ảnh hưởng, thậm chí là không được bảo đảm. Ngoài ra, trong trường hợp này, một số biện pháp thu thập chứng cứ sẽ có thể không thể thực hiện được, ví dụ biện pháp đối chất theo Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, dẫn đến Tòa án có thể không đánh giá được chính xác, khách quan, toàn diện nội dung vụ án.

Kết luận và kiến nghị

Như vậy, có thể thấy rằng quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa đề cập cụ thể đến vấn đề xác định nơi cư trú của bị đơn đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù trong các vụ việc dân sự. Nhìn chung, các Tòa án hiện nay có xu hướng căn cứ địa chỉ thường trú hoặc tạm trú trước khi bị tạm giam, chấp hành án phạt tù để xác định nơi cư trú của bị đơn, từ đó xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Tuy nhiên, trong một số vụ việc cụ thể, việc xác định như thế này gây ra những khó khăn nhất định cho cả chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng.

Trên cơ sở các phân tích quy định của pháp luật, cũng như qua thực tiễn xét xử, nhóm tác giả đề xuất TAND tối cao nên có văn bản hướng dẫn xác định nơi cư trú của bị đơn nói riêng, các đương sự nói chung, đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù là nơi mà họ đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù trong thời gian tới. Đầu tiên, việc xác định nơi cư trú của bị đơn đang bị tạm giam, chấp hành án phạt tù theo hướng này giúp các Tòa án thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Từ đó, giúp các Tòa án có thể đánh giá đầy đủ nội dung vụ án qua sự tham gia đầy đủ các bên đương sự, trên cơ sở đó có thể giải quyết các vụ án đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với bản thân đối tượng bị đơn này, việc xác định nơi cư trú của họ là nơi họ đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù giúp đảm bảo được các quyền của đương sự trong vụ án dân sự, đặc biệt là quyền tranh tụng.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Dân sự 2015.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Luật Cư trú 2020.

4. Bản án số 07/2023/HNGĐ-PT ngày 10/5/2023 của TAND TP. Đà Nẵng về việc “Không công nhận vợ chồng, tranh chấp nuôi con chung”.

5. Nguyễn Ngọc Hà, Hoàn thiện pháp luật về quyền của người bị kết án phạt tù, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 6/2021, năm 2021, tr. 60-64.

6. Đặng Thanh Hoa, Pháp luật tố tụng dân sự - Tình huống và phân tích (phần chung), Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, năm 2020.

7. Nguyễn Mạnh Thắng, Nhà nước pháp quyền với môi trường pháp lý kinh doanh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11(363), năm 2018, tr. 16-22.

 

[1] Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Nguyễn Mạnh Thắng, Nhà nước pháp quyền với môi trường pháp lý kinh doanh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11(363), năm 2018, tr. 16-22.

[3] Điều 24 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[4] Nguyễn Ngọc Hà, Hoàn thiện pháp luật về quyền của người bị kết án phạt tù, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 6/2021, năm 2021, tr. 60-64.

[5] Đặng Thanh Hoa, Pháp luật tố tụng dân sự - Tình huống và phân tích (phần chung), Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, năm 2020, tr.111.

THS. LÊ ĐÌNH QUANG PHÚC
Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
THS. TRƯƠNG THÙY TRANG
TAND TP. Đà Nẵng
 
Nguyễn Hoàng Lâm