/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số góp ý liên quan đến sửa đổi Luật Luật sư

Một số góp ý liên quan đến sửa đổi Luật Luật sư

23/08/2024 06:29 |

(LSVN) - Theo tác giả nghiên cứu tờ trình xây dựng Luật Luật sư thay thế thì thấy rằng lý do để ban soạn thảo đề xuất quy định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư là nhằm “Bổ sung một số công cụ quản lý nhà nước phù hợp và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý”, nhưng lại không sử dụng các công cụ giám sát, mà lại tăng thêm thủ tục hành chính là không phù hợp, gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề độc lập của Luật sư.

Ảnh minh họa.

1.Góp ý đối với quy định về Thù lao Luật sư trong các vụ án Hình sự (Điều 56 Luật Luật Sư 2006, Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP)

Phân tích hạn chế của quy định hiện hành

Quy định pháp luật hiện hành đang hạn chế mức thù lao của Luật sư tham gia các vụ án Hình sự, gây thiệt thòi cho Luật sư bởi lẽ:

Về mặt công sức nghiên cứu vụ án

Nhiều vụ án hình sự phức tạp, đòi hỏi Luật sư phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ để xác minh sự thật của vụ án. Nếu là Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo thì Luật sư còn phải thu thập chứng cứ, nhân chứng để đánh giá  hành vi của khách hàng có dấu hiệu phạm tội hay không, từ đó đề xuất phương án bào chữa và lại tiếp tục thu thập các thông tin về nhân thân, tình tiết giảm nhẹ cho khách hàng để thực hiện các phương án bào chữa đã thống nhất.

Trong phần lớn các vụ án hình sự, khi bị can bị tạm giam, thì người thân của khách hàng sẽ liên tục hỏi han, đòi gặp Luật sư để được nghe tư vấn, trao đổi về tình hình sức khỏe bị can, thông tin của vụ án hay các vấn đề pháp lý cả về hình sự lẫn dân sự. Vì vậy, Luật sư sẽ phải luôn trong tâm thế giải đáp các thắc mắc của người thân bị can, bị cáo, thậm chí một vấn đề nhưng phải giải thích, trả lời rất nhiều lần, dẫn đến nhiều Luật sư bị ảnh hưởng thời gian làm việc, tư vấn cho các khách hàng, vụ việc khác. Như vậy, trong vụ án hình sự, Luật sư sư phải bỏ ra công sức rất nhiều. 

Về mặt chi phí di chuyển, lưu trú và công tác phí khác

Một số trường hợp, khách hàng trong vụ án hình sự là bị can, bị cáo bị tạm giữ, tạm giam ở những trại giam cách xa địa điểm đặt văn phòng và hoạt động chính của Luật sư, dẫn đến phát sinh chi phí di chuyển, lưu trú của Luật sư cho các chuyến công tác để tham dự các buổi lấy lời khai, lấy cung của cơ quan điều tra.

Trong phần lớn các vụ án hình sự, Luật sư bị động về mặt thời gian lấy cung, có trường hợp điều tra viên tổ chức lấy cung rất nhiều lần vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nên dẫn đến chi phí cho các chuyến công tác của Luật sư cũng tăng và phát sinh cao hơn. Bản thân, Công ty Luật của người góp ý cũng đã gặp hơn 2 trường hợp, Điều tra viên của cơ quan điều tra của một tỉnh miền Trung, cứ trung bình 3 -5 tuần lại tổ chức lấy cung một lần, mỗi lần lấy cung thì kéo dài 2-5 ngày, vì lý do bị can có sức khỏe không tốt, nên buổi lấy cung bị hoãn hoặc thời gian của mỗi buổi lấy cung ngắn, nên điều tra viên phải tăng số buổi lấy cung. Việc tổ chức lấy cung nhiều lần và kéo dài như vậy, đã gây tiêu tốn rất nhiều về mặt thời gian, chi phí công tác, đặc biệt chi phí cơ hội, công sức của Luật sư tham gia vụ án hình sự đó. 

Về mặt thời gian

Xét về mặt tổng thể, các vụ án hình sự thuộc tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thì thời hạn điều tra trung bình đều trên 12 tháng , chưa kể thời hạn xác minh tin tố giác, tố cáo hình sự. Một số vụ án bị tạm đình chỉ, hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra còn có thể kéo dài hơn 15 tháng. Ngoài ra, còn thời hạn truy tố, xét xử Sơ thẩm và Phúc thẩm cũng làm tăng thời gian làm việc của Luật sư lên hơn 18 -24 tháng kể từ ngày cơ quan điều tra thụ lý giải quyết tin tố giác, tố cáo hình sự.

Về mặt thủ tục làm việc

Luật sư không chỉ làm việc với cơ quan điều tra, mà còn với Viện kiểm sát, Tòa án trong quá trình tố tụng của vụ án để dự cung, sao chụp hồ sơ vụ án, trình bày ý kiến, các kiến nghị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng và bảo đảm vụ án được xét xử công bằng, khách quan và đúng pháp luật. 

Về tính công bằng

Các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, phi hình sự khác, không có quy định hạn chế mức trần thù lao của Luật sư. Trong khi đó, trong vụ án hình sự, có yêu cầu về dân sự, về mặt bản chất là Luật sư tham gia vụ án hình sự phải đảm trách 2 nhiệm vụ, vừa nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các quy định liên quan đến pháp luật hình sự và cả pháp luật dân sự để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Khách hàng, nhưng thù lao lại bị khống chế hơn cả Luật sư tham gia vụ án dân sự. Như vậy, cách tính thù lao của Luật sư trong các vụ án hình sự là không đảm bảo tính công bằng.

Đề xuất

Không giới hạn mức trần thù lao của Luật sư tham gia các vụ án hình sự.

Lợi ích của đề xuất

Khắc phục các hạn chế, sự thiệt thòi của Luật sư tham gia các vụ án hình sự và tạo sự công bằng trong việc tính thù lao của Luật sư tham gia các vụ án phi hình sự.

2.Góp ý đối với quy định về miễn, giảm học và tập sự Luật sư

Phân tích các hạn chế của quy định pháp luật hiện hành (Điều 13, Điều 16)

Luật sư là một nghề nghiệp đòi hỏi không chỉ có kiến thức chuyên môn, mà còn phải có bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức của một người bình thường mà còn phải tuân thủ các quy tắc riêng của nghề nghiệp được quy định tại Luật Luật sư và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Liên đoàn Luật sư ban hành .

Các chức danh tư pháp khác như Thẩm phán, Kiểm sát viên và Điều tra viên hay các cá nhân có học vị tiến sĩ, giáo sư Luật đều là những người có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật, có các kinh nghiệm trong việc áp dụng pháp luật và kỹ năng giải đáp pháp luật. Tuy nhiên, về mặt kỹ năng nghề nghiệp, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đối với Khách hàng, đối với đồng nghiệp là Luật sư thì các chủ thể này có thể chưa được học tập, chưa được rèn luyện, tích lũy và thi sát hạch nên không có cơ sở để khẳng định các cá nhân này đáp ứng được các yêu cầu về mặt ứng xử và đạo đức nghề nghiệp Luật sư. Trong khi đó, theo chương trình đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ Luật sư cũng như kỳ thi kết thúc tập sự Luật sư, thì môn Đạo đức Luật sư là một môn học bắt buộc, cũng như là một môn thi sát hạch điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư.

Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp các luật được miễn đào tạo và tập sự còn có các ứng xử chưa phù hợp đối với khách hàng, đồng nghiệp thậm chí có trường hợp Luật sư nguyên là cán bộ công tác trong ngành Tư pháp vẫn bị khách hàng khiếu nại dẫn đến bị xử lý kỷ luật, tước thẻ hành nghề vì vi phạm quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam .

Đề xuất

Quy định tất cả các cá nhân đang thuộc trường hợp miễn, giảm thời gian tập sự theo quy định hiện hành đều phải tham gia khóa đào tạo và thi môn đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. 

Lợi ích của đề xuất

Khắc phục được các hạn chế như đã phân tích.

3.Góp ý đối với quy định về Tập sự hành nghề Luật sư (Điều 14 Luật Luật Sư 2006)

Phân tích hạn chế của quy định hiện hành

Quy định pháp luật hiện hành không cho phép người tập sự luật sư được đại diện tham gia tố tụng đã gây ra những hạn chế sau đây:

Không tạo ra môi trường cho người tập sự được học tập, rèn luyện kỹ tham gia tố tụng, vì không thể trực tiếp tham gia phần hỏi đáp, trình bày luận cứ, tranh luận, ứng xử tại phiên Tòa cũng như các phiên hòa giải, thu thập chứng cứ, thẩm định trong quá trình chuẩn bị xét xử. Trong một số phiên Tòa có tính chất phức tạp, căng thẳng giữa các đương sự, thẩm phán phiên Tòa có khi không cho phép người tập sự tham gia phiên hòa giải nếu không có tư cách gì trong vụ án đó.

Xung đột với chế định ủy quyền trong Bộ luật Dân Sự 2015 (Chương IX, Điều 134 đến 143) và Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 (Điều 85, Điều 87). Theo các quy định này, cá nhân, tổ chức được phép nhận đại diện ủy quyền. Thậm chí cho phép cá nhân đủ 15 tuổi trở lên được là người đại diện theo ủy quyền (Bộ luật Dân Sự 2015, Điều 138, khoản 3). Trong khi đó, người tập sự có kiến thức nền tảng về pháp luật lại không được nhận ủy quyền là không hợp lý và bất bình đẳng trong việc thực hiện các quyền dân sự, cũng như thiệt thòi cho người dân vì không được nhờ người có chuyên môn pháp luật đại diện tham gia tranh tụng tại Tòa án, từ đó gây ra sự lãng phí nguồn lực xã hội. Ngoài ra, Điều 87 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định các trường hợp không được làm người đại diện, không bao gồm người tập sự hành nghề Luật sư.

Đề xuất

Cho phép người tập sự hành nghề Luật sư được đại diện ủy quyền tham gia tố tụng, với điều kiện vụ án mà người tập sự nhận ủy quyền phải có Luật sư hướng dẫn cùng tham gia tố tụng với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính đương sự mà người tập sự nhận làm đại diện hoặc Luật sư hướng dẫn cùng đồng đại diện ủy quyền với người tập sự.

Lợi ích của đề xuất

Tạo môi trường cho người tập sự được học tập, rèn luyện kỹ năng tham gia tố tụng, khắc phục các hạn chế như đã phân tích ở trên.

Việc yêu cầu Luật sư hướng dẫn và người tập sự cùng tham gia tố tụng trong vụ án đó, sẽ đảm bảo trách nhiệm của Luật sư hướng dẫn trong việc đảm bảo chuyên môn công việc, chất lượng dịch vụ pháp lý với Khách hàng.

4.Bổ sung quy định nghĩa vụ của Luật sư đối với tổ chức hành nghề Luật sư khi gây thiệt hại cho khách hàng (Điều 21)

Phân tích hạn chế của quy định pháp luật hiện hành

Thực tế phát sinh nhiều trường hợp, Luật sư đang công tác tại tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình hành nghề còn thiếu cẩn trọng hoặc có các hành vi xâm phạm lợi ích của khách hàng, dẫn đến khách hàng khiếu nại và yêu cầu tổ chức hành nghề Luật sư phải bồi thường, trả lại phí, gây thiệt hại cho uy tín của tổ chức hành nghề Luật sư.

Tuy nhiên, Luật Luật sư hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của Luật sư gây ra thiệt hại cho tổ chức hành nghề Luật sư.

Đề xuất

Bổ sung quy định trách nhiệm của Luật sư đối với tổ chức hành nghê luật nếu gây thiệt hại đến quyền lợi khách hàng

Lợi ích của đề xuất

Quy định rõ trách nhiệm của Luật sư đối với tổ chức hành nghề luật nếu gây thiệt hại đến quyền lợi khách hàng sẽ có các lợi ích sau:

Tăng cường trách nhiệm nghề nghiệp: Khi trách nhiệm của luật sư được quy định rõ ràng, luật sư sẽ có ý thức hơn về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, Luật sư sẽ có động lực tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và hành xử một cách chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý và đảm bảo rằng luật sư hành nghề với tinh thần trách nhiệm cao.

Tạo lòng tin cho khách hàng: Khách hàng sẽ có lòng tin hơn khi biết rằng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bồi thường nếu gây thiệt hại. Điều này không chỉ giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ pháp lý mà còn góp phần vào việc nâng cao uy tín của nghề luật.

Như vậy, quy định rõ trách nhiệm của luật sư đối với tổ chức hành nghề luật nếu gây thiệt hại đến quyền lợi khách hàng không chỉ bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý và duy trì uy tín của nghề luật.

5.Đối với quy định về thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư (Điều 17 của Đề cương Luật Luật sư thay thế)

Phân tích hạn chế của quy định của Đề cương

Quy định về thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư như trong Đề cương Luật Luật sư thay thế là đang không phù hợp với thực tiễn hành nghề và phát sinh thêm thủ tục hành chính gia hạn hoặc cấp đổi chứng chỉ hành nghề Luật sư, kéo theo phát sinh thủ tục cấp, cấp đổi Thẻ hành nghề Luật sư bởi Thẻ hành nghề Luật sư được cấp dựa trên Chứng chỉ hành nghề Luật sư. Khi triển khai thủ tục này trên thực tế, có thể phát sinh cơ chế “xin cho”, đi ngược với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Xét về mặt trình độ, chuyên môn thì Chứng chỉ Luật sư được cấp cho người đã trải qua đào tạo bậc Đại học, đã tốt nghiệp cử nhân Luật, đã tốt nghiệp và đạt chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư và vượt qua kỳ thi kết thúc tập sự Luật sư. Tuy nhiên, Bằng cử nhân luật và chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư không có quy định về thời hạn có giá trị, cho nên Chứng chỉ hành nghề Luật sư cũng phải không quy định về thời hạn mới phù hợp.

Theo tác giả nghiên cứu tờ trình xây dựng Luật Luật sư thay thế thì thấy rằng lý do để ban soạn thảo đề xuất quy định thời hạn của Chứng chỉ hành nghề Luật sư là nhằm “Bổ sung một số công cụ quản lý nhà nước phù hợp và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý”  , nhưng lại không sử dụng các công cụ giám sát, mà lại tăng thêm thủ tục hành chính là không phù hợp, gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề độc lập của Luật sư.

Đề xuất

Không quy định Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn.

Lợi ích của đề xuất

Khắc phục các hạn chế như đã phân tích, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây cản trở quá trình hành nghề của Luật sư.

(1) Thống kê thời hạn điều tra thực tế của các vụ án hình sự  

(2) Điều 5 Luật Luật Sư 2006 quy định nguyên tắc hành nghề Luật sư

(3) //plo.vn/thu-hoi-chung-chi-hanh-nghe-luat-su-cua-ong-pham-cong-ut-post553862.html

(4) Tiểu mục 3.2 Mục IV của Tờ Trình

Luật sư LÊ NGUYÊN HÒA

Công ty Luật TNHH LHLegal

Đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu

Nguyễn Hoàng Lâm