/ Trao đổi - Ý kiến
/ Pháp luật CHLB Đức về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội - Kinh nghiệm cho Việt Nam

Pháp luật CHLB Đức về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội - Kinh nghiệm cho Việt Nam

16/05/2022 17:50 |

(LSVN) - Bài viết so sánh một số quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam và Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Qua đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Ảnh minh họa.

1. Đặt vấn đề

Việc xử lý người chưa thành niên (NCTN) phạm tội là một việc khá phức tạp bởi NCTN còn có nhận thức chưa đầy đủ, hành vi của họ thường mang tính bột phát do bị lôi kéo hoặc kích động, hoặc chưa đủ khả năng làm chủ hành động của mình, hơn nữa họ còn có một tương lai dài phía trước. Do đó, không thể áp dụng các biện pháp xử lý NCTN phạm tội giống như những người đã thành niên.

Đối với các tội phạm do NCTN gây ra thì cần áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng với mục đích giáo dục để thay đổi nhận thức và hành vi của các đối tượng này chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc xử lý hình sự nhằm trừng phạt họ. Nghiên cứu thực tiễn pháp luật Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) về trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với NCTN phạm tội trong tương quan so sánh với thực tế pháp luật Việt Nam để có thể đánh giá và rút ra kinh nghiệm lập pháp cho Việt Nam về vấn đề này không chỉ giúp cho việc hoàn thiện pháp luật mà còn giúp cho chúng ta được tiệm cận hơn với pháp luật Châu Âu nói riêng cũng như pháp luật quốc tế nói chung.

2. Kinh nghiệm thực tiễn pháp luật CHLB Đức về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

CHLB Đức là một quốc gia phát triển về mọi mặt ở Châu Âu, vì thế về pháp luật cũng có những đặc thù thể hiện một trình độ lập pháp riêng biệt. Về TNHS đối với NCTN phạm tội, bên cạnh Bộ luật hình sự CHLB Đức quy định về các tội phạm nói chung thì tại quốc gia này còn ban hành riêng “Luật Người chưa thành niên” nhằm điều chỉnh hành vi của nhóm đối tượng này. Việc này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với thế hệ trẻ - tương lai đất nước của họ, mặc dù các đối tượng này là chủ thể của tội phạm nhưng quan điểm của quốc gia này luôn mong muốn được giáo dục, giúp họ thay đổi và trở thành công dân tốt. Phải và một quốc gia có sự phát triển về nhận thức rất cao và văn minh mới có thể có những bước đột phá trong xây dựng và ban hành các quy định pháp luật như vậy. Hơn hết, tư tưởng tư pháp thân thiện đối với NCTN phạm tội còn được các tổ chức quốc tế hiện nay quan tâm đặc biệt.

Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng đã kế thừa và tiếp tục tiệm cận dần với các quy định này bằng cách dành hẳn một chương trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhằm có những “đối xử” nhân đạo, thân thiện đối với nhóm đối tượng NCTN phạm tội.

Thứ hai, xác định tuổi của người chưa thành niên phạm tội

Vấn đề TNHS đối với NCTN phạm tội được các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, chủ thể của hành vi phạm tội hình sự được hướng tới nhằm điều chỉnh là trẻ em. Tại Công ước quốc tế về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 xác định rõ: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn” (5, Tr.12). Tinh thần của Công ước này được CHLB Đức và Việt Nam công nhận, kế thừa và phát huy, thể hiện trong hiến pháp và pháp luật của riêng mình.

Ở Việt Nam, độ tuổi NCTN được xác định thống nhất trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của NCTN là dưới 18 tuổi và quy định riêng những chế định pháp luật đối với NCTN trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ở CHLB Đức, độ tuổi chịu TNHS được quy định tại CHLB Đức “trẻ em là người dưới 14 tuổi” (4, Điều 1) và “Schuldunfahig ist, wer bei Begechung der Tat noch nicht vierzehn Jahre alt ist” tạm dịch “Người không có năng lực lỗi là người mà khi thực hiện hành vi chưa đủ 14 tuổi” (1, Điều 19). Như vậy, hiểu độ tuổi chịu TNHS ở CHLB Đức là người từ 14 tuổi trở lên và trẻ em không phải chịu TNHS nên không có thuật ngữ “trẻ em phạm tội” ở quốc gia này (13, Tr.93). Cụ thể, đối với CHLB Đức, NCTN phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi tại thời điểm họ thực hiện hành vi. Đặc biệt, người phạm tội từ đủ 18 đến dưới 21 tuổi mặc dù đã thành niên nhưng họ được coi là người mới trưởng thành nên cũng được hưởng những tình tiết giảm nhẹ hơn so với người đã thành niên từ 21 tuổi trở lên. Như vậy, nhận thấy độ tuổi về NCTN được CHLB Đức bảo vệ rất rộng (13, Tr.94).

Việc pháp luật hình sự CHLB Đức mở rộng phạm vi độ tuổi chịu TNHS của NCTN là khá rộng. Thậm chí, pháp luật Đức còn quy định về trường hợp người mới trưởng thành (từ đủ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi) cũng được hưởng các tình tiết giảm nhẹ cho thấy tính nhân văn trong việc xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật hình sự tại quốc gia này. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì phải có trình độ phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật ở mức cao như nước Đức mới có thể quy định như vậy. Đối với Việt Nam, cần xem xét các điều kiện thực tiễn để xác định quy định đó có phù hợp để áp dụng hay không.

Theo quan điểm cá nhân, tác giả nhận định tuy nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, song trình độ của người dân chưa thực sự tương xứng, các tệ nạn xã hội vẫn có chiều hướng gia tăng về số lượng, tính chất ngày càng nghiêm trọng nên việc quy định mở rộng tuổi đối với khái niệm NCTN như BLHS tại CLHB Đức là chưa phù hợp. Chúng ta nên coi việc mở rộng độ tuổi là mục tiêu để phấn đấu, hướng tới và xây dựng kế hoạch trong vòng 10 đến 20 năm tiếp theo.

Thứ ba, hệ thống các biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

CHLB Đức là một quốc gia có truyền thống pháp luật lục địa lâu đời, thủ tục tố tụng hình sự của họ được xây dựng và áp dụng trên mô hình tố tụng thẩm vấn, xét hỏi. Trên cơ sở được xây dựng, hình thành từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, qua quá trình dài hoàn thiện, được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, cho đến nay Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) của CHLB Đức có thể nói là một Bộ luật đồ sộ, công phu gồm 06 phần với khoảng gần 470 Điều quy định cụ thể từng hoạt động, thủ tục trong trình tự tố tụng giải quyết vụ án hình sự của CHLB Đức. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5, Luật Tòa án về NCTN của CHLB Đức quy định biện pháp xử lý hình sự đối với nhóm đối tượng này gồm biện pháp giáo dục, phạt tù và các biện pháp an toàn. Trường hợp trong quá trình thi hành án nếu NCTN bị tước tự do thì sẽ được trả tự do trước thời hạn khi hình phạt đã tuyên trước đó được chấp hành một phần ba nhưng ít nhất phải là 06 tháng. Khi này, Tòa án có thể tăng cường các biện pháp giám sát để đảm bảo tính phòng ngừa và thực thi.

Tại Việt Nam, xuất phát từ chủ trương, tư tưởng nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với NCTN phạm tội, các nhà làm luật đã dày công xây dựng và thông qua hệ thống biện pháp xử lý hình sự đối với nhóm đối tượng này như sau: các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội (khiển trách, hòa giải, giáo dục tại xã phường thị trấn); Biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội; Các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn). Các biện pháp này được xây dựng vô cùng công phu và nhân đạo, tuy nhiên về cơ chế thực hiện và áp dụng vào thực tiễn xét xử thì lại có nhiều vướng mắc và hạn chế. Đặc biệt, có những trường hợp luật chưa quy định rõ ràng trường hợp nào thì áp dụng biện pháp hình sự nào mà lại để cho cơ quan tiến hành tố tụng (cụ thể là hội đồng xét xử) quyết định dựa theo ý chí, nhận định chủ quan. Trường hợp hội đồng xét xử có cái nhìn phiến diện, chưa thật sự khách quan thì rất dễ dẫn đến tình trạng oan sai. Minh chứng rõ nhất là hiện nay, các Tòa án thường có xu hướng áp dụng các biện pháp phạt tù có thời hạn đối với NCTN phạm tội và cho áp dụng hình thức hưởng án treo mà rất ít áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc miễn TNHS khi xét xử.

3. Định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam về trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Với tư tưởng xuyên suốt trong chính sách hình sự đối với NCTN phạm tội của Đảng và Nhà nước ta là nhân đạo, lấy giáo dục làm trọng tâm; kết hợp với nghiên cứu so sánh, đánh giá các quy định với BLHS CHLB Đức, tác giả đánh giá sự ra đời của BLHS 2015 là một minh chứng cụ thể, rõ ràng và sâu sắc nhất. Không những vậy, BLHS 2015 còn khéo léo khắc phục được những hạn chế, bất cập của các BLHS trước đó nhằm đáp ứng và phù hợp với những chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam tham gia kí kết, những tư tưởng nhân đạo mà chúng ta thừa nhận.

Từ kinh nghiệm BLHS của CHLB Đức, nhận thấy BLHS hiện hành tuy vẫn bộc lộ những hạn chế trong việc áp dụng chính sách hình sự đối với NCTN phạm tội song đó chính là những căn cứ để chúng ta tiếp tục hoàn thiện, để BLHS không chỉ thể hiện tính chất trừng trị, răn đe mà cao đề cao tư tưởng nhân đạo, giáo dục. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra những đề xuất nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam nói chung cũng như TNHS đối với NCTN nói riêng.

Về nguyên tắc, đường lối xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Thứ nhất, cần nghiên cứu thay đổi quy định tại khoản 2, Điều 91, BLHS 2015 về miễn TNHS với NCTN từ “có thể được miễn TNHS” thành “được miễn TNHS”. Bởi lẽ, sau khi thỏa mãn nhiều điều kiện như tội phạm thuộc nhóm tội cụ thể hoặc là đồng phạm tham gia với vai trò không đáng kể, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả được quy định tại (6, Điều 91) và điều kiện để áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục phù hợp thì NCTN phạm tội mới chỉ “có thể” được miễn TNHS. Việc có được áp dụng biện pháp miễn TNHS hay không vẫn còn phải phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể thấy, việc đòi hỏi phải cùng lúc thỏa mãn quá nhiều điều kiện dẫn đến việc người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ rất khó được miễn TNHS trên thực tế, điều đó vô tình thu hẹp và làm mất đi ý nghĩa nhân đạo của loại biện pháp này.

Vì vậy, đề xuất nên thay đổi nội dung khoản 2, Điều 91, BLHS 2015 theo hướng quy định trường hợp NCTN phạm tội “được miễn TNHS” nhằm xác định chặt chẽ về trường hợp được miễn TNHS, không phụ thuộc vào ý chí khiên cưỡng chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu bổ sung thêm số lượng các biện pháp mang tính giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp miễn TNHS, để phù hợp hơn với sự mở rộng đối với biện pháp miễn TNHS. Qua đó, tăng hiệu quả áp dụng của loại biện pháp này, phân hóa sâu sắc hơn về mức trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải chịu, cũng như thể hiện rõ hơn đường lối, chính sách coi trọng việc giáo dục, cải tạo NCTN phạm tội đã được nêu trước đó.

Thứ hai, cần nghiên cứu thay đổi bố cục của quy định tại khoản 4 Điều 91 BLHS 2015. Cụ thể, khoản 4, Điều 91, BLHS 2015 quy định: “Khi xét xử, Tòa án chi áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”. Việc quy định theo bố cục như vậy chưa phản ánh đúng ý nghĩa của nguyên tắc chủ đạo trong xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại khoản 1, Điều 91 đó là: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”, cũng như các quy tắc và tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế về tư pháp NCTN.

Bởi những lẽ trên, đề xuất thay đổi bố cục của quy định tại khoản 4, Điều 91 như sau: “Khi xét xử, nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì Tòa án áp dụng một trong các hình phạt quy định tại Điều 98 đối với người dưới 18 tuổi phạm tội".

Thứ ba, đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo quyền riêng tư NCTN phạm tội trong quá trình từ khởi tố, điều tra, truy tố cũng như xét xử họ tại các Tòa án. Xuất phát từ những đặc điểm riêng đặc biệt về tâm sinh lý cũng như kiến thức pháp luật của NCTN còn hạn chế, nông cạn, họ dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo bởi những đối tượng xấu trong xã hội. Đặc biệt về công tác bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố đến xét xử. Việc này kéo theo hệ quả vô cùng khôn lường đó là vô tình tạo cơ hội cho những đối tượng xấu lợi dụng những thông tin này để lôi kéo, kích động hay uy hiếp tinh thần đối với NCTN phạm tội. Vấn đề này cũng được nêu ra trong Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về hoạt động tư pháp đối với người vị thành niên và được nhiều quốc gia trên thế giới đồng thuận, theo đó "Quyền riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn tố tụng, nhằm tránh những tổn hại gây ra do sự công khai hóa quá mức hay do sự quy chụp" (2) và "Về nguyên tắc, không được công bố những thông tin có thể dẫn đến việc nhận dạng người phạm tội chưa thành niên" (2). Vì những lẽ trên, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của NCTN trong quá trình xử lý hình sự cần phải được quy định thành một nguyên tắc. Qua đó, thể hiện tầm quan trọng của vấn đề này và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích của NCTN.

Về các hình thức chịu trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung hình phạt mới – Lao động phục vụ cộng đồng được áp dụng đối với NCTN phạm tội. Điển hình như BLHS Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi 2010 quy định: “Lao động bắt buộc được áp dụng trong thời hạn từ bốn mươi tới một trăm sáu mươi giờ. Lao động bắt buộc là làm các công việc phù hợp với sức khỏe người chưa thành niên và được thực hiện ngoài thời gian học tập hoặc ngoài thời gian làm công việc chính. Khoảng thời gian thực hiện hình phạt này không được phép vượt quá hai giờ trong một ngày đối với người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và không được phép vượt quá ba giờ trong một ngày đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ mười lăm đến mười sáu tuổi”(11). Tương tự, một số quốc gia như Úc, CHLB Đức,… cũng có những điều khoản tương tự.

Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc hoặc quy định một điều luật riêng về án treo áp dụng riêng đối với NCTN phạm tội theo hướng ưu tiên áp dụng án treo và thời gian thử thách ngắn hơn so với người từ đủ 18 tuổi phạm tội. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hình sự thì điều kiện được hưởng án treo, thời gian thử thách,... được áp dụng chung không phân biệt người phạm tội có là người dưới 18 tuổi hay không. Có thể khẳng định, chế định án treo là một chế định pháp luật tiến bộ, biểu hiện cụ thể nguyên tắc trừng trị kết hợp với khoan hồng, tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nước ta. Tuy nhiên, việc áp dụng án treo hiện nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là sự đánh giá của Tòa án.

4. Kết luận

TNHS đối với NCTN phạm tội đã và đang là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi quốc gia trên toàn thế giới. Tiêu biểu, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và CHLB Đức thì vấn đề này được các nhà làm luật chú trọng xây dựng từ tư tưởng lãnh đạo đến luật hóa các tư tưởng bằng các quy định của pháp luật một cách thận trọng, tỉ mỉ và khoa học. Xét từ góc độ luật hình sự, bản chất của việc xây dựng các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của chủ thể NCNT phạm tội cần được nghiên cứu chuyên sâu để phát huy được vai trò, sứ mệnh vốn có của mình.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó vẫn nhận thấy được những vấn đề lý luận về TNHS của NCTN phạm tội chưa được quan tâm một cách thỏa đáng đối với sứ mệnh, trách nhiệm mà nó phải đảm nhiệm. Vì vậy, việc nghiên cứu hệ thống lý luận về TNHS của NCTN phạm tội trong bối cảnh quốc tế và qua cách tiếp cận của luật học so sánh là sự bổ sung cần thiết và có ý nghĩa đối với việc nâng cao nhận thức về TNHS của NCTN phạm tội – đối tượng đã và đang được toàn thế giới bảo vệ.

Ở Việt Nam và CHLB Đức đều thể hiện mối quan tâm đặc biệt đối với các quy định của pháp luật hình sự về TNHS của NCTN phạm tội. Qua nhiều lần sửa đối, bổ sung, các quy định này hiện nay đã bao quát tương đối đầy đủ các khía cạnh phát sinh của TNHS đối với NCTN phạm tội, từ nguyên tắc xử lý, các hình phạt được áp dụng đến cách tổng hợp hình phạt, các biện pháp tư pháp đặc biệt chỉ được áp dụng đối với nhóm chủ thể này đã thể hiện sự quan tâm và thiện chí đặc biệt. Nhìn chung, các quy định về TNHS đối với NCTN phạm tội ở hai quốc gia này đều tương đối giống nhau về mặt tư tưởng.

Đặt trong bối cảnh, sự phát triển của các quốc gia này mà nguyên tắc, hình phạt,... được quy định đều đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn khách quan, đảm bảo tính chất răn đe, phòng ngừa và đặc biệt là giáo dục. Tuy nhiên, một số khác biệt trong các quy định về TNHS của NCTN phạm tội còn tồn tại giữa BLHS Việt Nam và CHLB Đức đã được nghiên cứu so sánh, ví dụ như quy định về nguyên tắc áp dụng TNHS, về tổng hợp hình phạt hay cả về các biện pháp được áp dụng. Sự khác biệt có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là sự khác biệt về chính sách hình sự, về quan điểm lập pháp và thực tiễn tình hình tội phạm ở hai quốc gia này. Những điểm khác biệt này cũng trở thành động lực và cơ sở cho tác giả trong việc tìm tòi các quy định nhằm kiến nghị sửa đổi pháp luật hình sự Việt Nam về TNHS của NCTN phạm tội.

Danh mục tài liệu tham khảo:

Tài liệu Tiếng Việt

1. Tập thể tác giả GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, PGS.TS Lê Thị Sơn, TS. Trần Hữu Tráng (2011), Dịch Bộ luật hình sự CHLB Đức, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

2. Bộ Tư pháp (2019), Thông tin tuyên truyền “Quyền của người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”, cập nhật 25/02/2019.

3. Chính phủ (2018), Nghị định số 37/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, ban hành ngày 10/3/2018, Hà Nội.

4. Cộng hòa Liên bang Đức (1990), Bộ luật dân sự (Sửa đổi, bổ sung 2011).

5. Liên hợp quốc (1989), Công ước quốc tế về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child).

6. Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), NXB Tư Pháp, Hà Nội.

7. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.

8. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015, NXB Tư pháp, Hà Nội.

9. Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động năm, NXB Tư pháp, Hà Nội.

10. Quốc hội 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXB Tư pháp, Hà Nội.

11. Quốc hội Liên Bang Nga (1995), Bộ luật Hình sự.

12. Toà án nhân dân Tối cao (2018), Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ  án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên, ban hành năm 2018, Hà Nội.

13. TS. Vũ Thị Phượng (2020), Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

LƯU TIẾN ĐẠT - VŨ PHƯƠNG THẢO

Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn

Bàn về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Lê Minh Hoàng