Ảnh minh họa.
Việc khởi tố và bắt giam hai sỹ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y trong vụ Công ty Việt Á đã chứng minh không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh phong chống tham nhũng và tiêu cực. Điều cần phải lưu ý là ngoài những tội danh trước đây trong vụ án này như "Vi phạm những quy định về đấu thầu", "Hối lộ",… thì trong vụ bắt giữ những sỹ quan quân đội đồng thời là những nhà nghiên cứu này là tội "Tham ô".
Không cần phải suy đoán nhiều mà người ta liên tưởng ngay đến khoản kinh phí 19 tỉ do Bộ KH&CN cấp cho Học viện Quân y để nghiên cứu ra bộ kit test Covid-19. Số tiền đó đi đâu, về đâu và nằm trong túi ai chắc chắn sẽ được làm rõ. Còn chắc chắn một điều nữa, việc phá án không chỉ dừng tại đây, còn những đầu dây, mối rợ lằng nhằng nữa, bởi tham ô tài sản nhà nước đâu chỉ thực hiện được một mình.
Không có tội “Tham ô quyền lực”, song chính có quyền lực mới đẻ ra tham ô. Vụ án này sẽ làm sáng tỏ điều đó khi bản kết luận điều tra dừng lại ở trang cuối cùng. Lâu nay, những khoản kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu khoa học không hề nhỏ những kết quả thì chẳng to lớn gì, trên thực tế, không ít những công trình nghiên cứu, những đề tài khoa học chỉ thành công và hiệu quả trong các cuộc họp báo nghiệm thu mà thôi, nó còn ảo hơn cả thế giới ảo. Vụ kit test Công ty Việt Á này là một ví dụ điển hình minh chứng cho điều đó.
“Vùng cấm” không chỉ ở các cấp cao và rất cao, những “vùng cấm” lẻ tẻ ở các địa phương vốn không ai dám đụng đến và luôn ở trong trạng thái mù mờ với những nghi vấn và dị nghị thì bây giờ cũng được đưa ra soi chiếu bằng ánh sáng pháp luật. Chẳng hạn, biệt phủ trên khu đất 04 mặt đường của bà vợ nguyên Bí thư thành ủy TP. Kon Tum có được là nhờ có văn bản hướng dẫn làm trái so với quy hoạch của thành phố về phát triển đô thị. Hoặc, nguyên Chủ tịch huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa bị khởi tố, khám xét nhà riêng, cho tại ngoại hầu tra vì những tội danh liên quan đến quản lý đất đai. Hoặc nữa, Bộ Công an đang có động thái điều tra việc chi tiền hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh vì tình trạng chi tiền “không đúng đối tượng”. Đó là những minh chứng rõ ràng về sự “tham ô quyền lực” nhằm mang lại lợi ích cho bản thân hoặc gia đình, họ hàng hay người thân. Tình trạng này khá phổ biến trong xã hội hiện tại và hình thành nên các “vùng cấm” cục bộ khi người “tham ô quyền lực” đương chức, đương quyền, nắm giữ những cương vị chủ chốt tại địa phương.
Tinh thần “không có vùng cấm” phải được quán triệt và trở thành nguyên tắc ứng xử thường trực trong các hoạt động tư pháp, trở thành “điểm nhấn” thực tiễn đi vào đời sống pháp luật hiện tại của nước nhà.
NHỊ NGỌC