/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Tội 'Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản' theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Tội 'Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản' theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

04/01/2025 06:53 |

(LSVN) - Bài viết thể hiện quan điểm của các tác giả về dấu hiệu định tội của tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản nhằm phân biệt tội phạm này với một số tội phạm có cùng hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó nêu ra một số điểm bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện cho Bộ luật Hình sự 2015.

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, dưới sự phát triển vượt bậc của internet toàn cầu, các dịch vụ, hoạt động kinh doanh, giao dịch trên môi trường “mạng” ngày càng phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Nhu cầu giao dịch, hoạt động tiền tệ, mua bán kinh doanh thương mại hàng hóa trên môi trường mạng phát triển nhanh là dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với đó là sự xuất hiện của nhóm tội phạm trên không gian mạng, lợi dụng các nền tảng mạng xã hội và một số bất cập của quy định pháp luật để chiếm đoạt tài sản của người dân bằng nhiều hình thức. Bằng việc tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999, việc quy định tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) cho thấy sự quan tâm của các nhà làm luật đối với tính nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi này, thể hiện rõ chính sách hình sự trong xu hướng phát triển cùng với luật hình sự thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều cách hiểu thiếu thống nhất của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản so với một số các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản khác. Nhằm mục đích phân định rõ hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 so với một số hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc Chương các tội xâm phạm sở hữu quy định trong BLHS 2015, các tác giả phân tích, làm rõ: các dấu hiệu định tội của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản; phân biệt tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản và một số tội phạm xâm phạm sở hữu khác; một số điểm hạn chế trong quy định của BLHS 2015 về hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, từ đó đề xuất hướng khắc phục, hoàn thiện.

Các dấu hiệu định tội của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản

Dấu hiệu định tội là dấu hiệu dùng để mô tả tội phạm cụ thể trong luật và cho phép phân biệt tội này với tội khác. Đây là những dấu hiệu đặc trưng điển hình, phản ánh được đầy đủ tính chất nguy hiểm của một tội phạm và đủ cho phép phân biệt tội phạm đó với các tội phạm khác.

Theo quy định tại Điều 290 BLHS 2015, sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng mạng máy tính, mạng viễn thông(1) hoặc phương tiện điện tử(2) để đánh cắp thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; làm, tàng trữ mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, giao dịch chứng khoán qua mạng; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông internet nhằm chiếm đoạt tài sản. Dấu hiệu định tội của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản trong BLHS 2015 bao gồm:

Dấu hiệu thuộc khách thể của tội phạm

(1) Hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản xâm phạm cùng lúc hai khách thể: trật tự an toàn công cộng, trật tự xã hội thông qua việc xâm phạm về an toàn và sự hoạt động bình thường trong lĩnh vực tin học và ứng dụng các thành tựu của tin học vào đời sống xã hội, qua đó xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Tuy rằng trực tiếp tác động đến mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử, nhưng mục đích mà loại tội phạm này nhắm tới là chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động trên môi trường điện tử, thông qua các phương tiện điện tử tiếp cận đối tượng tác động, gồm: các dữ liệu, tệp tin, phần mềm, hệ thống thông tin số và tài sản. Tội phạm thực hiện hành vi bằng thủ đoạn xâm nhập, đánh cắp, giả mạo dữ liệu… sau đó dùng hình thức lừa đảo hoặc trộm cắp để chiếm đoạt tài sản mà hoàn toàn không nhằm phá hủy mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử hay các linh kiện của chúng

(2) Tài sản thuộc đối tượng tác động của hành vi phạm tội là tiền và quyền tài sản, trong đó tiền thường là tiền dưới dạng kỹ thuật số (sử dụng trên các môi trường điện tử nhưng có giá trị tương đương tiền mặt và có thể được chuyển đổi qua các hình thức rút tiền tại ATM hoặc ngân hàng).

(3) Hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 290 BLHS 2015 nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 173 Bộ luật này.

Dấu hiệu thuộc mặt khách quan

(1) Đặc điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa các tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và tội phạm xâm phạm sở hữu thông thường chính là ở vai trò của mạng (bao gồm cả mạng viễn thông, mạng máy tính), phương tiện điện tử có liên quan đến quá trình thực hiện tội phạm. Tất cả các tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đều có liên quan đến mạng hoặc phương tiện điện tử (là phương tiện, công cụ hoặc vật trung gian dùng để cất giấu, lưu trữ những thứ chiếm đoạt được). Mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử vừa là môi trường thực hiện tội phạm vừa là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội.

(2) Thủ đoạn của tội phạm: Người phạm tội sử dụng tập hợp các thiết bị viễn thông, thiết bị máy tính, phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự khác và lợi dụng sự quản lý sở hở về công nghệ của các cá nhân, tổ chức để nhằm chiếm đoạt tài sản(3). Người phạm tội tấn công vào các đối tượng là nguồn quản lý tài sản trên môi trường số như thẻ ngân hàng; sàn giao dịch điện tử; sàn chứng khoán; các tài khoản thanh toán/ ví điện tử; các dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện tử khác… Sử dụng chính mạng viễn thông, mạng máy tính hay phương tiện điện tử để lừa đảo hoặc lén lút chiếm đoạt tài sản, đây là một trong các dấu hiệu quan trọng để phân biệt loại tội phạm này với các tội phạm mang tính chiếm đoạt tài sản ở chương xâm phạm sở hữu.

(3) Hành vi phạm tội diễn ra trên môi trường điện tử: Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành khi đã thực hiện đầy đủ các hành vi khách quan được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản, các hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện bằng các thủ đoạn: nhắn tin qua các trang mạng xã hội, sms; gọi điện; tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng; giả mạo thông tin tài khoản, hộp thư điện tử của các cá nhân, tổ chức; tấn công các tài khoản cá nhân, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tài khoản… Người phạm tội sử dụng các thủ đoạn này tiếp cận bị hại trên môi trường điện tử (không gian mạng) từ đó thực hiện các hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm cơ bản để nhằm chiếm đoạt tài sản: sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản(4). Toàn bộ hành vi thực hiện tội phạm đều diễn ra trên môi trường mạng, từ việc thực hiện các thủ đoạn đánh cắp, gian dối, làm giả, truy cập bất hợp pháp… đều phải diễn ra trên môi trường mạng. Nếu các hành vi khách quan của tội phạm không diễn ra trên môi trường điện tử thì không thuộc quy định của tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản".

(4) Hình thức chiếm đoạt có thể là trộm, lừa đảo: Theo quy định tại Điều 290 BLHS 2015, các hình thức chiếm đoạt tài sản trong loại tội phạm này là trộm cắp hoặc lừa đảo, người phạm tội sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; làm, tàng trữ mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả; truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, giao dịch chứng khoán qua mạng; thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dấu hiệu mặt chủ quan

Mục đích của tội phạm là nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là dấu hiệu phân biệt với các tội phạm cùng nhóm tội phạm công nghệ cao khác. Cần lưu ý tội phạm sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử hướng tới mục đích là để chiếm đoạt tài sản, không phải để tấn công, cản trở hay phá hoại mạng viễn thông, mạng máy tính hay phương tiện điện tử. Chính vì vậy, người phạm tội không quan tâm đến thiệt hại của các thiết bị, hệ thống mạng nói chung hay bất kỳ hoạt động bình thường sau đó của mạng viễn thông, mạng máy tính hay phương tiện điện tử.

Phân biệt với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

Phân biệt với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Ngoài các đặc điểm chung của nhóm tội xâm phạm sở hữu mang tính chiếm đoạt, hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có một số dấu hiệu phân biệt sau:

(i) Đối với tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản", hành vi “sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử” là dấu hiệu định tội, còn đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì “Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử” có thể bị xem là sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, là một trong các tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm(5).

(ii) Thiệt hại về tài sản: tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản", không quy định hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, tội phạm được xem là hoàn thành khi thực hiện hết các hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm cơ bản. Trong khi đó, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản yêu cầu thiệt hại từ 2.000.000 đồng trở lên.

(iii) Tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" diễn ra hoàn toàn trên môi trường điện tử, người phạm tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản.

Phân biệt với tội "Trộm cắp tài sản"

Một hình thức chiếm đoạt tài sản cũng diễn ra phổ biến trên môi trường điện tử đó là hành vi trộm cắp tài sản trên không gian mạng. Hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử lén lút chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng so với hành vi trộm cắp tài sản theo quy định Điều 173 BLHS 2015 có một số đặc điểm khác nhau:

(i) Công cụ, phương tiện trong tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" là mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử, cụ thể là thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng, số tài khoản, các thẻ định dạng kỹ thuật số; trong khi tội "Trộm cắp tài sản" có thể sử dụng các loại công cụ vật chất khác đa dạng hơn.

(ii) Hành vi lén lút của tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" thực hiện trên môi trường điện tử, thông qua các không gian mạng như: lén lút tiếp cận các thông tin về tài khoản, về nguồn tiền, lén lút chuyển giao tài sản từ các ví điện tử, thẻ ngân hàng, số tài khoản của bị hại mà bị hại không hề hay biết. Trong khi đó, tội "Trộm cắp tài sản" là hành vi lén lút tiếp cận tài sản của chủ sở hữu và dịch chuyển chúng ra khỏi vị trí ban đầu, hành vi tiếp cận lén lút chiếm đoạt tài sản trong tội "Trộm cắp tài sản" diễn ra trên thực tế, đó cũng là lý do vì sao các hành vi trộm cắp tài sản dễ bị chuyển hóa sang các tội phạm khác như cướp tài sản khi bị chủ sở hữu tài sản hoặc người khác phát hiện.

(iii) Hành vi lén lút trong tội "Trộm cắp tài sản" có thể bị chuyển hóa sang tội "Cướp tài sản" trong trường hợp người phạm tội bị phát giác bởi chủ sở hữu hoặc những người xung quanh và họ có các hành vi chống trả nhằm chiếm đoạt tài sản đến cùng.

(iv) Trong các dấu hiệu định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội "Trộm cắp tài sản" có tình tiết “hành hung để tẩu thoát”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “tài sản là bảo vật quốc gia”; trong khi các dấu hiệu định khung tăng nặng hình phạt của tội "Sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản" chỉ xoay quanh các dấu hiệu về tính chất, quy mô của hành vi như “phạm tội có tổ chức”, “số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ”, “tính chất chuyên nghiệp”…

Một số hạn chế trong quy định của BLHS năm 2015 đối với hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản và giải pháp hoàn thiện

Qua nghiên cứu các dấu hiệu định tội của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản tại Điều 290 BLHS 2015, tác giả nhận thấy có một số hạn chế gây nhiều khó khăn, nhầm lẫn trong quá trình định tội danh:

Thứ nhất, về tên gọi “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản” gây mâu thuẫn với nội dung điều luật và định hướng mà nhà làm luật hướng tới, trong khi từ cấu thành cơ bản đến cấu thành tăng nặng ở các khoản 1, 2, 3 của điều luật đều thể hiện “chiếm đoạt tài sản” là mục đích của tội phạm thì ngay tại tên gọi gây ra cách hiểu “chiếm đoạt tài sản” là hành vi. Nếu căn cứ theo tên gọi của điều luật thì mặt khách quan của tội phạm phải bao gồm hai hành vi: thứ nhất là hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và thứ hai là hành vi chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, theo nội dung trong điều luật, hành vi khách quan của tội phạm chỉ bao gồm một hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” dưới các hình thức được quy định tại khoản 1. Việc xác định hành vi nhằm mục đích xác định giai đoạn phạm tội, đối với tội phạm cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành khi đã thực hiện xong các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm, với cách đặt tên của Điều 290 sẽ dẫn đến cách hiểu sai và khó khăn trong định tội danh đối với loại tội phạm này.

Thứ hai, về dấu hiệu định tội: “… nếu không thuộc quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này…” như đã phân tích ở trên, đây là một trong các dấu hiệu định tội của hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản mang tính chất loại trừ, việc quy định thêm dấu hiệu định tội theo kiểu loại trừ, đối với hai nhóm tội khác nhau gây nhầm lẫn giữa khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong quá trình xác định tội danh. Một bên xâm phạm khách thể kép là an trật tự công cộng và quyền sở hữu (Điều 290), bên còn lại nhóm tội chỉ đơn thuần xâm phạm một khách thể duy nhất là quyền sở hữu (Điều 173 và điều 174), trong khi lý thuyết về tính loại trừ chỉ nên diễn ra ở các sự kiện, hiện tượng cùng bản chất, ở đây là cùng nhóm khách thể.

Thứ ba, đối với một số hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm:

(i) Sử dụng thông tin/truy cập bất hợp pháp vào “tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, có nhiều quan điểm chưa thống nhất đối với nhận thức về “tài khoản” trong trường hợp này. Có quan điểm cho rằng “tài khoản” ở đây chỉ bao hàm tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán; một số quan điểm khác cho rằng “tài khoản” này bao gồm các loại “tài khoản” điện tử khác như facebook, whatsapp, zalo, instagram… Thực tế hoạt động thanh toán tiền tệ trên các ứng dụng này đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều đối tượng lợi dụng sơ hở trong việc quản lý của chủ tài khoản, chiếm đoạt các tài khoản này và thành công sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo quan điểm của các tác giả, “tài khoản” nên được hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao gồm cả các loại tài khoản thanh toán, tài khoản ngân hàng và các loại tài khoản điện tử thuộc sở hữu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

(ii) Hành vi “lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng” gây mâu thuẫn với chính dấu hiệu

định tội “… nếu không thuộc quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này…”. Quy định của điểm d khoản 1 Điều 290 BLHS 2015 phản ánh một số trường hợp đặc thù của hành vi lừa đảo, cụ thể là lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng. Đây chính là cấu thành riêng của “hành vi lừa đảo” quy định tại Điều 174, trên thực tế hoàn không thể có trường hợp một tội phạm phát sinh không thuộc cấu thành chung của tội phạm (Điều 174) nhưng lại thuộc cấu thành riêng (trường hợp tại điểm d khoản 1 Điều 290). Một lần nữa khẳng định, chính cách quy định thêm dấu hiệu định tội “… nếu không thuộc quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này…” khiến cho quy định 290 BLHS 2015 có phần bị bó hẹp và khó áp dụng trên thực tiễn.

Một số hạn chế khác trong cách quy định và thuật ngữ mà Điều 290 BLHS 2015 sử dụng:

Về cách thức quy định, Điều 290 BLHS 2015 sử dụng phương pháp liệt kê các trường hợp chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, phần lớn là tập trung vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay, dưới sự phát triển vượt bậc của tội phạm công nghệ cao, hành vi chiếm đoạt tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, việc quy định theo hướng liệt kê các hành vi phạm tội vô hình trung dẫn đến việc phạm vi áp dụng của điều luật bị hạn chế.

Về thuật ngữ sử dụng, Điều 290 BLHS 2015 sử dụng “mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” là các thuật ngữ thể hiện phương tiện, môi trường mà tội phạm xảy ra. Nếu hướng đến tinh thần các hành vi chiếm đoạt tài sản trên “không gian mạng” thì “mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” chưa đủ để bao hàm hết các nội dung của “không gian mạng”(6).

Từ những hạn chế trên, các tác giả đề xuất hướng thay đổi đối với Điều 290 BLHS 2015 như sau:

Thứ nhất, xem xét thay đổi tên gọi của Điều 290 để phù hợp với hành vi khách quan và mục đích của tội phạm theo nội dung điều luật, bên cạnh đó là sử dụng thuật ngữ phù hợp với Luật An ninh mạng 2018.

Thứ hai, loại bỏ dấu hiệu định tội không cần thiết “… nếu không thuộc quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này…” tại khoản 1 Điều 290 BLHS 2015.

Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể về “tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân” tại điểm a, c khoản 1 Điều 290 BLHS 2015 theo nghĩa rộng bao hàm các loại tài khoản điện tử như zalo, facebook, snapchat, whatsapp… để mở rộng hành vi khách quan của tội phạm.

Theo các đề xuất trên, Điều 290 BLHS 2015 sau khi thay đổi thành:

Điều 290. Tội sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc các phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc các phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) ……

Kết luận

Nhìn chung, quy định tại Điều 290 BLHS 2015 về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản có tồn tại một số hạn chế, gây nhầm lẫn và khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tiễn. Việc xem xét các vấn đề này và nghiên cứu các giải pháp khắc phục, hoàn thiện là cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét cách quy định của tội phạm theo hướng tránh liệt kê quá chi tiết các hành vi cụ thể trong cấu thành tội phạm để không làm hạn chế phạm vi áp dụng của điều luật, đúng với bản chất quy định về phòng chống tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và hạn chế thấp nhất việc quy định bị lỗi thời trong tương lai khi ngày càng có nhiều hình thức chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng mới xuất hiện.

(1) Mạng là khái niệm chung dùng để chỉ mạng viễn thông (cố định, di động, internet), mạng máy tính (WAN, MAN, LAN). Trong đó, mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông, Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẽ dữ liệu cho nhau.

Sự khác biệt cơ bản giữa mạng viễn thông với mạng máy tính là ở quy mô hoạt động của chúng. Trong khi mạng viễn thông được phân ra nhiều loại, mỗi loại có cấp độ phủ sóng khác nhau (mạng viễn thông công cộng (internet) phủ sóng toàn cầu, mạng viễn thông riêng, mạng viễn thông nội bộ) thì mạng máy tính là một kết nối đơn giản và có quy mô nhỏ thường chỉ tồn tại trong một vị trí địa lý hạn chế. Trong số các môi trường điện tử, Internet hoạt động rộng hơn cả, trải dài từ quốc gia này sang quốc gia khác và phủ sóng ở phạm vi toàn cầu và cũng là môi trường lý tưởng nhất để phát triển của các tội phạm trên không gian mạng.

(2) Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự.

(3) Các thủ đoạn này có thể là: Nhắn tin, gọi điện hoặc thông qua các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu việc làm trá hình lừa đảo, chiếm đoạt số tiền đặt cọc, môi giới ban đầu mà người dân chuyển cho các đối tượng; sử dụng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án,...) gọi điện thông báo nạn nhân bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu khai báo thông tin tài khoản ngân hàng…; tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền trên mạng, giả mạo người nước ngoài mua hàng để yêu cầu người bán thực hiện “giao dịch quốc tế giả” nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản của người bán; thực hiện hành vi tấn công mạng, chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè; giả mạo thông tin, tài khoản, hộp thư điện tử của các công ty, doanh nghiệp hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh, giọng nói (deepfake) bắt chước hành vi của con người để thu thập thông tin trái phép…

(4) Điểm a,b,c,d khoản 1 Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015.

(5) Điểm e khoản 2 Điều 174 BLHS 2015.

(6) Khoản 4 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018, tội phạm mạng được định nghĩa như sau: đó là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc các phương tiện điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

ThS LÊ TUẤN TÚ

Chánh án TAND huyện Chiêm Hóa- tỉnh Tuyên Quang.

ThS NGUYỄN THANH THẢO NHI

Giảng viên Bộ môn Đào tạo Luật sư - Thẩm phán - Kiểm sát viên, Học viện Tư pháp cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Các tin khác