Tội "Xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo" được quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự (BLHS), thuộc Chương XV: Các tội "Xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân".
Về hành vi khách quan, tội phạm bao gồm hai nhóm hành vi là: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo. Hai nhóm hành vi này xâm phạm đến khách thể là quyền tự do, dân chủ của công dân mà cụ thể là quyền được khiếu nại, tố cáo. Tội có hai khung hình phạt chính và một khung hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, quy định về hành vi khách quan và hình phạt còn bộc lộ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải tách hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở nhóm hành vi thứ nhất trở thành tình tiết định khung tăng nặng. Nhóm hành vi thứ nhất liệt kê ba loại hành vi là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và hành vi khác với mục đích cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo. Để đạt được mục đích cản trở việc khiếu nại, tố cáo thì có rất nhiều hình thức như lừa gạt, khuyên nhủ, mua chuộc, gây khó khăn, tác động vào quá trình chuyển nhận đơn… So với các hình thức này, thì dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực thể hiện tính chất nguy hiểm cao hơn, nghiêm trọng hơn, xâm phạm hoặc tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác, thể hiện sự “bất chấp”, “đánh đổi bằng mọi giá” trong quá trình cản trở người khác khiếu nại, tố cáo. Do đó, hành vi này đòi hỏi phải được xử lý nghiêm hơn, gắn với chế tài mạnh hơn. Vì vậy, tác giả cho rằng, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực phải được tách ra đưa xuống trở thành điểm a khoản 2 Điều này.
Thứ hai, xem xét dấu hiệu “gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo” ở nhóm hành vi thứ hai. Ở nhóm hành vi thứ hai, liên quan đến việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện “bất kỳ hành vi nào” cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng đi kèm với nhóm hành vi này, để thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm này cần phải đáp ứng dấu hiệu “gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo”. Quy định này không tương xứng với nhóm hành vi thứ nhất, thể hiện ở chỗ chỉ nhóm hành vi này mới đòi hỏi dấu hiệu “gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo” trong khi nhóm hành vi thứ nhất thì không cần. Xét về bản chất, cả hai nhóm hành vi đều hướng đến mục đích “cản trở, ngăn cản không cho ai đó thực hiện việc khiếu nại, tố cáo” nên việc khác nhau trong dấu hiệu “gây thiệt hại” là không phù hợp. Chưa hết, khách thể của tội phạm là xâm phạm “quyền tự do dân chủ” của công dân, nghĩa là việc cản trở thực hiện khiếu nại, tố cáo trong khi pháp luật ghi nhận đây là quyền của công dân đã là xâm phạm khách thể của tội phạm, không nhất thiết phải “gây thiệt hại nào đó khác”. Chưa hết, dấu hiệu này chỉ được quy định chung chung “gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo”, vậy thiệt hại ở đây là thiệt hại gì? Thiệt hại ở mức độ nào? Quy định này rất dễ gây nhầm lẫn và tạo ra tính tùy tiện khi áp dụng. Có coi thiệt hại bao gồm cả vật chất và tinh thần hay không? Thiệt hại với số tiền bao nhiêu, trị giá bao nhiêu, tổn thương như thế nào thì coi là gây thiệt hại. Tác giả cho rằng bản chất việc không cho một người thực hiện quyền của họ, là đã “gây thiệt hại” cho họ ở khía cạnh quyền rồi. Vì vậy, cần bỏ dấu hiệu “gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo” ở nhóm hành vi này. Lúc này, điểm b khoản 1 Điều 166 BLHS chỉ còn: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Thứ ba, cần làm rõ tình tiết “trả thù người khiếu nại, tố cáo”. Đây là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm b khoản 2 Điều 166 BLHS, mới nhìn thì có vẻ đây là quy định dễ hiểu. Tuy nhiên, việc xem xem hành vi “trả thù” lại rất khó khăn. Hiểu theo nghĩa thông thường, trả thù là hành động làm tổn thương hoặc gây hại cho ai đó để đáp trả lại tổn thương hoặc sai lầm mà họ gây ra. Nhưng cần phân biệt rất rõ ràng rằng, hành vi “trả thù” bao giờ cũng thể hiện tính nguy hiểm cao. Đó có thể là hành vi giết người, cố ý gây thương tích, bắt cóc, làm nhục… với mục đích đáp trả lại việc một người đã khiếu nại, tố cáo. Vậy thì nếu như Điều 166 chỉ quy định chung chung như hiện nay, thì cơ sở nào để phân biệt giữa các tội danh với nhau? Ở mức độ nào, trường hợp nào, cường độ nào, cách thức nào thì thuộc điểm b khoản 2 Điều 166 BLHS. Chưa hết, việc thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật để trả thù trong nhiều trường hợp rất dễ nhầm lẫn với tình tiết “vì động cơ đe hèn” trong một số tội phạm khác. Vì vậy, tác giả cho rằng cần có hướng dẫn chi tiết và cụ thể về tình tiết này hoặc xem xét bỏ luôn tình tiết này, nếu có hành vi vi phạm khác để trả thù người khiếu nại, tố cáo, lúc đó sẽ xem xét xử lý hành vi đó bằng các chế tài (tội phạm) tương ứng.
Thứ tư, cần bổ sung hình phạt bổ sung là hình phạt tiền. Đối với hình phạt bổ sung, hiện Điều 166 BLHS đang quy định là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 đến 05 năm. Tác giả thấy rằng, mặc dù xem xét các tội phạm thuộc chương XV chỉ có 01 tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác" là có quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung và 03 tội phạm quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, nhưng có thể xem xét bổ sung hình phạt này ở tội "Xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo". Hình phạt tiền là loại hình phạt đánh vào kinh tế của người, đối với tội phạm này, hành vi cản trở người khác thực hiện khiếu nại, tố cáo đôi khi cũng cần khoản chi phí không nhỏ, việc áp dụng chế tài này có thể làm tăng khả năng phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, việc áp dụng hình phạt tiền cũng không vi phạm quy tắc tại Điều 35 BLHS. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng mức tiền phạt bổ sung đối với tội phạm này từ 05 đến 30 triệu đồng.