Cùng với sự chủ động của chính luật sư, rất cần tới sự chung tay của các tổ chức đào tạo luật sư và các cơ quan quản lý trong việc đào tạo và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hành nghề cho luật sư; đặc biệt là sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội nhằm bảo đảm vững chắc vị thế của luật sư trong công cuộc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Luật sư, chất lượng đội ngũ luật sư, thực trạng, giải pháp.
Nghề luật sư là một nghề cao quý. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh[1]. Luật sư, với hiểu biết sâu rộng về pháp luật và kinh nghiệm phong phú trong hoạt động pháp lý, có vai trò quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội. Vai trò này thể hiện rõ ràng qua việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong cả lĩnh vực tố tụng và ngoài tố tụng, đồng thời đóng góp to lớn vào hoạt động bổ trợ tư pháp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống pháp lý và xã hội.
Trong các vụ án tố tụng, luật sư không chỉ đại diện cho khách hàng mà còn bảo đảm quyền được bảo vệ trước pháp luật, tạo sự cân bằng giữa các bên tranh chấp. Vai trò của luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ mà còn giúp khách hàng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó đưa ra những quyết định chính xác và hợp lý.
Ngoài vai trò trong tố tụng, luật sư còn tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thông qua việc góp ý, phản biện và đề xuất các chính sách pháp luật, luật sư góp phần tạo nên một hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn. Sự tham gia của luật sư vào quá trình này giúp đảm bảo rằng các quy định pháp luật được xây dựng dựa trên thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Với vai trò là những người bảo vệ công lý, luật sư không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Họ là những người đảm bảo rằng công lý được thực thi, góp phần xây dựng một nền tư pháp độc lập, công bằng và vững mạnh.
Thực Trạng chất lượng đội ngũ luật sư Việt nam hiện nay
Thực hiện chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ và đã đạt một tầm cao mới. Tiến trình hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng nâng tầm thế và lực cho Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh việc tạo ra nhiều cơ hội cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân ở nước ta, trong đó có cơ quan pháp luật và tư pháp. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, đòi hỏi của đất nước đối với nghề luật sư và đội ngũ luật sư ngày càng cao hơn. Việc xây dựng đội ngũ luật sư, phát triển cả về số lượng và nâng tầm về chất lượng hoạt động không chỉ là trách nhiệm của mỗi luật sư và tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư, mà còn là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước ta.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Nghị quyết số 49-NQ-TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: “Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư”[2]. Ngày 30/3/2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa nhiều chủ trương lớn của Đảng, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân liên quan trực tiếp tới hoạt động hành nghề luật sư. Đặc biệt gần đây, ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với Luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề Luật sư. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”[3]. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định cần chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao, trong đó có các nghề bổ trợ tư pháp: “Đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”[4]. Chính vì vậy, phát triển nghề luật sư chú trọng về chất lượng dịch vụ, am hiểu pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi về ngoại ngữ phục vụ đắc lực cho cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Trong những năm vừa qua, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, chất lượng của đội ngũ luật sư cũng đang từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong đó, đã có nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế. Đội ngũ luật sư trong cả nước đã không ngừng nỗ lực hoạt động, cống hiến, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, là bộ phận xã hội phản biện các quy định, dự thảo luật, chính sách của nhà nước, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, giúp phục vụ tốt hơn cho lợi ích của nhân dân, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm công bằng xã hội, dân chủ, văn minh. Công tác đào tạo nguồn, phát triển số lượng, nâng cao chất lượng và sử dụng đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế bước đầu được thực hiện và có kết quả. Chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Những hiệu quả đạt được chưa làm thay đổi được thực trạng hạn chế của đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội và sự phát triển kinh tế quốc tế để luật sư thực sự là địa chỉ tin cậy cho mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có vướng mắc pháp lý cần giải quyết. So với các nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ luật sư trên tổng số dân của nước ta vẫn ở mức thấp. Đa số các tổ chức hành nghề luật sư hiện nay có quy mô nhỏ, chỉ có từ 01 đến 03 luật sư chiếm tỷ lệ 80% đến 90%. Chất lượng hành nghề luật sư chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và dịch vụ tư vấn pháp luật trong và ngoài nước; chưa xây dựng và tạo lập và củng cố được niềm tin thật sự vững chắc của cộng đồng xã hội vào năng lực cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng của luật sư. Sự không đồng đều về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ luật sư dẫn tới việc cung cấp dịch vụ pháp lý vẫn còn ảnh hưởng tới chất lượng chung của cả đội ngũ. Chưa triển khai sâu rộng, toàn diện công tác chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho luật sư; còn một số luật sư vẫn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng tới uy tín của giới luật sư. Một bộ phận nhỏ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Một số luật sư chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội, chính trị cao quý về nghề nghiệp của mình, chưa gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về hành nghề luật sư, thậm chí một bộ phận nhỏ có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, về nhận thức chính trị, có hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn tới bị xử lý hình sự. Điều đó đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, danh dự, uy tín của nghề luật sư.
Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do trình độ năng lực hạn chế, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận luật sư xuống cấp làm mất niềm tin của nhân dân. Ý thức tự đào tạo và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của một số luật sư còn thấp đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của luật sư trong việc bào chữa, tư vấn, đại diện cho khách hàng, nghiêm trọng hơn là vi phạm các nguyên tắc hành nghề luật sư và bị xử lý trách nhiệm hình sự. Các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đào tạo, tập sự và công nhận luật sư vẫn còn một số hạn chế, bất cập nên chưa phân loại được luật sư, chưa tạo được tính chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu của xã hội đới với nghề luật sư.
Bên cạnh đó chưa có một môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển nghề luật sư. Ngoài ra, một phần do điều kiện kinh tế còn khó khăn và sự hiểu biết, nhận thức về vai trò, vị trí của luật sư của đại đa số nhân dân còn hạn chế nên việc sử dụng các dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp đa phần chỉ ở những giai đoạn sau khi xảy ra vụ việc tranh chấp hoặc ở những giai đoạn xét xử phúc thẩm.
Hiện nay số lượng luật sư của Việt Nam còn quá ít để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Tính đến ngày 20/01/2024, tổng số luật sư thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 18.020 người; với hơn 5.300 tổ chức hành nghề luật sư. Như vậy, tỷ lệ luật sư trên tổng số dân của nước ta còn quá thấp. Ngoài ra, số lượng luật sư phân bố chưa đồng đều giữa các tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung nhiều ở hai thành phố lớn là Hà Nội với 5.144 luật sư và Hồ Chí Minh với 7.250 luật sư. Trái ngược với đó số lượng luật sư ở phần lớn các tỉnh khác có số lượng rất thấp, nhiều tỉnh có không quá 10 luật sư. Nhiều người dân ở những nơi có điều kiện khó khăn, còn thiếu thốn về cái ăn cái mặc, chưa được biết và chưa có điều kiện sử dụng các dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp.
Như vậy, không chỉ ít về số lượng mà trước nhu cầu và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay thì chất lượng đội ngũ luật sư là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế cho thấy nhiều luật sư hiện nay khó có thể hành nghề mặc dù trong tay đã có tấm thẻ luật sư, công việc của họ vẫn rất bấp bênh và phải làm các công việc khác để kiếm sống, thậm chí nhiều luật sư phải bỏ nghề. Phần lớn các luật sư hiện nay còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, chưa chủ động trong việc học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số luật sư còn vụ lợi, chưa đề cao trách nhiệm nghề nghiệp, lệch lạc và lý tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Nhiều luật sư bị xóa tên khỏi danh sách các Đoàn luật sư vì một số nguyên nhân như vi phạm đạo đức hành nghề, không đóng phí thường niên…Chưa có nhiều luật sư có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại quốc tế, tài chính - ngân hàng, chứng khoán, đấu thầu, sở hữu trí tuệ,….
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt nam thời gian tới
Để xây dựng và củng cố niềm tin, uy tín đối với khách hàng, nâng cao nhận thức, thái độ của các cơ quan, tổ chức, cơ quan tiến hành tố tụng đặt ra vấn đề bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật tạo hành lang pháp lý cho luật sư hành nghề thì trước hết bản thân mỗi luật sư phải tự khẳng định được giá trị bản thân, chất lượng dịch vụ pháp lý do mình cung cấp. Để làm được điều này bản thân các luật sư cần phải xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho bản thân, không ngừng nâng cao trình độ, trau dồi đạo đức, kỹ năng, bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng hành nghề của mình. Đồng thời phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của bản thân. Bên cạnh đó cần có sự chung tay của các tổ chức đào tạo luật sư, các cơ quan quản lý trong việc đào tạo và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hành nghề cho luật sư.
Thứ nhất, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong vấn đề đào tạo luật sư. Đây là vấn đề quan trọng và mang tính nền tảng. Việc này đòi hỏi các trường đại học đào tạo chuyên ngành luật cần có định hướng cụ thể đối với sinh viên. Ngay từ thời gian học tại trường, sinh viên cần được định hướng nghề nghiệp cụ thể. Việc học tại trường đại học không chỉ là tiếp xúc với các điều luật thông thường mà cần tạo điều kiện để sinh viên thường xuyên được tiếp xúc với các tình huống pháp luật, các vụ án cụ thể, thực tế để có thể hiểu được nghề nghiệp sau này của mình. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với các vụ án cũng tạo tiền đề nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu ngành, yêu nghề của các luật sư tương lai. Bên cạnh đó nên hạn chế mở rộng các chuyên ngành luật tại một số trường đại học mà chỉ tập trung vào các trường chuyên về đào tạo luật để hạn chế tính dàn trải và nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo. Các trường đại học cần phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam mời các luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật tới giảng dạy cho sinh viên để biết được thực tế hành nghề. Việc được định hướng nghề nghiệp từ sớm và đào tạo kỹ năng hành nghề cho sinh viên sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các luật sư tương lai nỗ lực phấn đấu trong học tập, không ngừng học hỏi, tích lũy kỹ năng, kiến thức làm hành trang cho việc hành nghề sau này. Ngoài ra, các trường cũng có chính sách đào tạo nguồn luật sư chất lượng cao, trao đổi sinh viên nhằm nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, về trình độ ngoại ngữ để sau khi ra trường họ sẽ trở thành đội ngũ luật sư có khả năng hội nhập quốc tế.
Thứ hai, cần thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho luật sư. Xã hội ngày càng phát triển, quan hệ quốc tế ngày càng phát triển rộng rãi, Việt Nam ngày càng có vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, các văn bản pháp luật ngày càng nhiều và ngày càng có sự bổ sung, thay đổi. Do đó luật sư cần phải thường xuyên cập nhật các kiến thức pháp lý, các văn bản pháp luật mới và nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu thay đổi của đất nước. Đây là yêu cầu cấp thiết của mỗi luật sư, không phân biệt tuổi tác, thâm niên nghề nghiệp, trình độ chuyên môn. Liên đoàn luật sư Việt Nam phối hợp với các Đoàn luật sư các tỉnh và các tổ chức hành nghề luật sư để cùng chung tay vào công tác bồi dưỡnluchuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng luật sư với đa dạng các chủ đề bồi dưỡng thích hợp với các lĩnh vực hành nghề: Hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, thương mại… Việc tham gia các lớp bồi dưỡng này cần có tính bắt buộc và thường xuyên được khuyến khích tham gia và theo dõi sát sao. Đoàn luật sư có thể phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức các lớp học bồi dưỡng phục vụ đúng trọng tâm, nhu cầu của luật sư. Qua đó hỗ trợ nâng cao kiến thức, kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư trong các lĩnh vực mà các luật sư còn hạn chế hoặc muốn nghiên cứu chuyên sâu để phục vụ cho việc hành nghề theo lĩnh vực đó của luật sư.
Thứ ba, Bên cạnh công tác công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng cần giáo dục bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta. Qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, địa vị xã hội của đội ngũ luật sư; giữ vững niềm tin của người dân, của khách hàng với đội ngũ luật sư nước ta.
Thực tiễn cho thấm, hiện nay vẫn còn một số luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề luật sư. Trong đó có những người là luật sư có trình độ và kinh nghiệm hành nghề lâu năm. Luật sư cần được bồi dưỡng thường xuyên về đạo đức nghề nghiệp để không vì những lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và vi phạm pháp luật. Bản thân mỗi luật sư sẽ nhận thức được vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của mình; qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, bảo vệ công lý và bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, luật sư Việt Nam cần nỗ lực học tập, nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận với luật pháp quốc tế để có thể bắt kịp và đáp ứng các yêu cầu trong thời kỳ mới.
Thứ tư, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư phải đảm nhận vai trò quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng luật sư, giám sát chặt chẽ quá trình hành nghề của họ, đồng thời tích cực tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của luật sư trong xã hội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của từng luật sư và toàn thể đội ngũ luật sư đối với cộng đồng và sự nghiệp phát triển của đất nước. Xã hội và Nhà nước cũng cần xây dựng các cơ chế và điều kiện thuận lợi để luật sư và nghề luật sư có thể phát huy tối đa vai trò của mình, đóng góp một cách thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này sẽ đảm bảo rằng nghề luật sư không chỉ là một nghề nghiệp cao quý mà còn là một trụ cột vững chắc trong việc bảo vệ công lý và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, hiệp hội luật sư quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và cập nhật xu hướng pháp lý toàn cầu. Tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho các luật sư. Tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo và khóa học chuyên sâu về luật quốc tế và thương mại quốc tế cho các luật sư Việt Nam, cũng như khuyến khích các luật sư tham gia các khóa học và chương trình đào tạo quốc tế, giúp họ sẵn sàng tham gia vào các vụ kiện quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách và cơ chế để thu hút và khuyến khích các luật sư tham gia sâu hơn vào các vụ kiện quốc tế, từ đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ luật sư Việt Nam. Đảm bảo các chiến lược và nghị quyết của Đảng liên quan đến phát triển đội ngũ luật sư được triển khai hiệu quả. Từ đó, cụ thể hóa các chủ trương và chính sách thành quy định pháp luật rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nghề luật sư, đảm bảo các quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của luật sư Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò và giá trị của nghề luật sư trong hệ thống pháp lý và xã hội. Đưa ra các chính sách khuyến khích cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ của luật sư trong nước, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống pháp lý. Cung cấp hỗ trợ tài chính và nguồn lực cho việc đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ cho luật sư, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ từ Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện các chính sách phát triển đội ngũ luật sư, kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò và lợi ích của việc sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư, nhằm tạo lập tâm lý và thói quen cho nhân dân. Sử dụng các phương tiện truyền thông và tổ chức các sự kiện, hội thảo để nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của luật sư. Mặt khác, cần nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của luật sư. Đảm bảo các quy định pháp luật rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tiễn, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của đội ngũ luật sư. Xây dựng nền tư pháp độc lập, đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch trong các hoạt động tố tụng, từ đó nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp lý và hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư được nâng cao, đồng thời tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi, góp phần xây dựng một nền tư pháp công bằng và hiệu quả.
[1] Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2019), Lời nói đầu, Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 về việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
[2] Nghị quyết số 49-NQ-TW, ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
[3] Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQGST, H.2021.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tư pháp (2021), Báo cáo 05/BC–BTP, ngày 08/01/2021 về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020, Hà Nội.
2. Liên đoàn Luật sư Việt Nam (2019), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hà Nội.
3. Bộ chính trị BCHTW Đảng cộng sản Việt Nam (2005), Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.
4. Ban Bí thư (2009), Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”, Hà Nội.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, Hà Nội.
6. Bộ Tư pháp (2023), Tham luận tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Luật sư tổ chức tại Hà Nội ngày 26/12/2023.
NCS, Thạc sĩ, Luật sư TRẦN THỊ THU
Đoàn Luật sư TP. Hà nội