Trong năm 2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân nói riêng tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ và được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận: Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc; Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2020 tăng 1,2 điểm... Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn tiếp tục thuộc nhóm thấp và trung bình thấp, chỉ xếp thứ 05 hoặc thứ 06 trong các nước ASEAN; đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ và có những đột phá thực sự để đạt mục tiêu vào nhóm 04 nước đứng đầu khu vực.
Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Chính phủ đã giao Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI).
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các phiếu khảo sát doanh nghiệp của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, APCI cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Thông qua các số liệu và thông tin thực tế, APCI phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các bộ, ngành, địa phương.
APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 09 nhóm TTHC quan trọng, gồm: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành. Kết quả ghi nhận được từ chính những nhóm TTHC này phần nào phản ánh môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm qua, bởi đây cũng chính là các TTHC đã và đang được các tổ chức quốc tế lựa chọn để đánh giá môi trường kinh doanh quốc gia (Chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (Chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới - VVorld Economic Forum).
Theo đánh giá gần nhất của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) và chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 (Global Competitiveness Index 4.0). Chỉ số Môi trường kinh doanh từ vị trí 90 (trên 190 quốc gia) khi Chính phủ bước vào nhiệm kỳ mới (2016) đã lên vị trí 70 (trên 190 quốc gia) vào năm 2020. Chỉ số Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0, dù không được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá vào năm 2020 do dịch Covid-19, nhưng đã được ghi nhận tăng 10 bậc từ vị trí 77 (trên 140 quốc gia) ở năm 2018 lên vị trí 67 (trên 141 quốc gia) vào năm 2019.
Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín này là những chỉ dấu tích cực phản ánh kết quả mà Chính phủ kiến tạo đã và đang đạt được thông qua sự chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, việc kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, và việc xây dựng chính quyền điện tử... Bên cạnh việc chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng về lượng sang việc vừa bảo đảm giữa lượng và chất, Chính phủ cũng xác định tầm nhìn dài hạn dựa trên việc nuôi dưỡng, phát huy nội lực của các doanh nghiệp trong nước cùng với quá trình thu hút có chọn lọc đối với các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Việt Nam.
Những chính sách và hành động cải cách của Chính phủ kiến tạo tập trung mạnh mẽ vào doanh nghiệp - động lực phát triển và xây dựng một nền kinh tế tự cường - thể hiện ở những quyết sách đáng lưu ý như tạo lập môi trường và nền tảng kinh doanh thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, liên tục rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều quy định và chi phí tuân thủ, thiết lập các cơ chế đối thoại công - tư liên tục và cởi mở; và nỗ lực đặc biệt lớn trong việc hiện đại hóa cung cấp dịch vụ công, trọng tâm là các dịch vụ công trực tuyến với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Sau những cải cách liên tục, bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ hướng tới doanh nghiệp, kết quả APCI 2020 đã phản ánh quyết tâm cùa Chính phủ, từng cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong cải cách TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách nền hành chính, chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ TTHC, tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương.
Bài học rút ra từ APCI 2020
Kết quả APCI 2020 tốt hơn năm 2018 và 2019 phản ánh những nỗ lực cải cách của Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Thông tin đầu vào của APCI xuất phát từ những “trải nghiệm thực tế” của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh và hỗ trợ việc định vị 63 địa phương thực thi 9 nhóm TTHC ở trên một ma trận bốn góc riêng biệt.
Góc “Hiệu quả” với chi phí trực tiếp thấp và thời gian thực hiện ngắn là góc “sáng”, là góc gồm 12/63 địa phương có được sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với những nỗ lực của các cơ quan nhà nước, cán bộ tại từng ngành, lĩnh vực và địa phương về kết quả giải quyết TTHC cho doanh nghiệp. Các góc “Tốn kém” (với chi phí trực tiếp cao, thời gian thực hiện ngắn), “Việt dã” (với chi phí trực tiếp thấp, thời gian thực hiện dài) hay “Cần cải thiện” (với chi phí trực tiếp cao, thời gian thực hiện dài) là những góc còn “mờ”, “tối” cần phải có thêm ánh sáng của tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính. Bên cạnh những bài học vẫn còn nguyên giá trị từ APCI 2018 và APCI 2019, APCI 2020 tiếp tục cho thấy dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn. Những bài học rút ra từ khảo sát APCI năm 2020 được nêu ở dưới đây đặt trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt với các vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để nhận thấy giá các giá trị từ cải cách TTHC.
Bài học thứ nhất, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn trong chỉ đạo và đã góp phần rất lớn thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và tạo dựng niềm tin để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh trong thời kỳ “Khởi đầu mới”.
Kết quả APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy những nhóm TTHC nào được các cơ quan nhà nước trong bộ máy hành chính duy trì được nhịp cải thiện liên tục thông qua phương thức điện tử đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm. Định hướng xây dựng chính quyền điện tử với các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử theo Nghị quyết số 52-NQ/TVV năm 2019 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19. Những tín hiệu tốt này cũng đã giữ vững được niềm tin cho doanh nghiệp về khả năng tồn tại và phát triển trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.
APCI 2019 và APCI 2020 đều cho thấy những nhóm TTHC có điểm APCI cao và có những tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện TTHC của doanh nghiệp cũng như giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Thành công ban đầu của Cổng dịch vụ công quốc gia là một ví dụ thành công đối với việc thực hiện và xử lý TTHC trên môi trường điện tử. Những yếu tố này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu và rủi ro về tình huống bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh thường phát sinh ở phương thức truyền thống.
Bài học thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chi phí không chính thức được phản ánh nhiều ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh như các nhóm TTHC về kiểm tra chuyên ngành, hải quan, đất đai, xây dựng, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh.
Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà còn làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Chi phí không chính thức trong một số tình huống hoặc TTHC dù không lớn nhưng cũng tạo ra trở ngại khác, như thời gian, tính công bằng và rủi ro pháp lý trong kinh doanh.
Hơn nữa, để có thể “tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước”, nâng cao “sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu”, và hỗ trợ được doanh nghiệp trong nước “tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” theo Nghị quyết 50-NQ/TVV của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 85/NQ-QH14 của Quốc hội thì môi trường kinh doanh tại Việt Nam phải lành mạnh, minh bạch, công khai, nhất quán và có tính cạnh tranh cao. Nếu để khoản chi phí này tiếp tục tồn tại và bao trùm trên diện rộng thì sẽ “cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước” như Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ đã nhận định.
Bài học thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Qua 03 năm, APCI cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm TTHC như thuế, đầu tư, khởi sự doanh nghiệp, môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với doanh nghiệp từ giai đoạn trước “cấp phép” sang sau “cấp phép” mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cải cách cũng như là thay đổi nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm kinh doanh của mình. Khảo sát APCI tại các địa phương cho thấy doanh nghiệp mong mỏi cần có những quy định, khuôn khổ, phương thức cụ thể, rõ ràng và bảo đảm các tiêu chí giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong công tác hậu kiểm.
Doanh nghiệp mong muốn công tác này mang tính khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tự giác thực hiện đúng pháp luật, cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật thay vì cơ quan chức năng tìm soát “lỗi” của doanh nghiệp để xử phạt. Doanh nghiệp cũng mong muốn các quy phạm pháp luật cần rõ ràng, thống nhất và có thể dự đoán được để các doanh nghiệp có thể tự kiểm soát về khả năng tuân thủ pháp luật. Như vậy, công tác “hậu kiềm” thực sự có ý nghĩa trong việc bảo đàm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân mà Quyết định 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Phân tích các chỉ số thành phần của những địa phương đứng đầu về số điểm APCI 2019 và 2020 cho thấy thành công của các địa phương là nhờ các chỉ số về thời gian thực hiện TTHC, chi phí trực tiếp và tổng chi phí thấp. Thực tế này đã phản ánh phần nào thái độ, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ trong bộ máy hành chính nhà nước tại các địa phương này trong việc giải quyết TTHC cho doanh nghiệp. Như vậy, công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC phụ thuộc vào không chỉ các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó.
Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan và cán bộ nhà nước, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm áp lực tiếp xúc trực tiếp của các cán bộ của bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.
Những khuyến nghị cải cách từ APCI 2020
Đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử trong việc thực hiện các TTHC, thúc đẩy kênh thông tin liên lạc giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường phương thức giải quyết dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp qua môi trường mạng trên nền tảng các hệ thống cơ sở dữ liệu được chia sẻ, liên thông. Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm các TTHC, lĩnh vực, dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia để doanh nghiệp có được đầu mối tìm kiếm và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử mà không lo ngại về khoảng cách địa lý hay dịch bệnh. Trong thời gian tới, Chính phủ nên tập trung áp dụng các TTHC điện tử đối với các TTHC đơn giản với số lượng người thực hiện đông, tần suất thực hiện nhiều, ví dụ như TTHC cấp lý lịch tư pháp để đủ điều kiện thực hiện các TTHC khác trong hoạt động kinh doanh. Chính phủ cần có quy định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; xây dựng cơ chế phản hồi sớm cho các doanh nghiệp về khả năng vi phạm các quy định pháp luật thay vì kiểm tra, thanh tra mang tính truy cứu về hành vi.
Chú trọng và chỉ đạo đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực và thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp thực hiện TTHC, cụ thể là: giao cơ quan đầu mối về cải cách TTHC tổ chức hoạt động trọng tâm về thực hiện hướng dẫn và đào tạo lại đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp nhận/tư vấn/giải quyết các hồ sơ TTHC; giao trách nhiệm các bộ, ngành phối hợp với các địa phương định kỳ hàng tháng, quý tổ chức các chương trình hội thảo, lớp tập huấn nội bộ để phổ biến và làm rõ các quy định liên quan tới TTHC (bao gồm nội dung, lý do cần thiết, ý nghĩa của TTHC mới, các vấn đề về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ TTHC và các hướng dẫn áp dụng, các chế tài liên quan...) kết hợp với việc rà soát và tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng TTHC mới hoặc bãi bỏ TTHC hiện hành, trọng tâm vào đội ngũ cán bộ thực thi TTHC để cập nhật thông tin và giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến TTHC; có chế tài quyết liệt và rõ ràng hớn đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ giải quyết TTHC, góp phần giảm thiểu các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Yêu cầu đổi mới phương thức và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối với việc công bố, công khai và giải quyết TTHC (bao gồm cả nội dung quy định cũng như tình trạng giải quyết, kết quả giải quyết TTHC), cụ thể là thông tin hướng dẫn về quy trình thực hiện TTHC cần được sơ đồ hóa các bước theo hướng đơn giản, dễ hiểu, thống nhất giữa các địa phương và công bố cho người dân thông qua website của cơ quan thực hiện TTHC; tất cả các hồ sơ giải quyết TTHC không đúng thời gian như quy định cần có nhật ký giải trình và được ghi lại để hình thành bộ dữ liệu liên quan, phục vụ giải đáp công khai trên website cho người dân/doanh nghiệp tìm hiểu, rút kinh nghiệm khi thực hiện các TTHC; bổ sung các chỉ số và thước đo tích hợp trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến để phản ánh tương tác thực tế của người dân và doanh nghiệp với các thông tin được công khai nhằm cải thiện liên tục hiệu quả của quá trình này.
Song song với nỗ lực nói trên, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng các xu hướng cải cách có thể mang lại sự đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính công như: cơ chế bảo lãnh (cơ chế bảo lãnh thông quan đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Đề án thí điểm tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018) để huy động khu vực tư nhân vào cuộc, san sẻ một phần trách nhiệm cùng các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện các nỗ lực cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân; cơ chế xã hội hóa dịch vụ công, một cơ chế đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện nhiều năm nay và đã áp dụng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế hay công chứng tư nhân với các lựa chọn khác nhau về thời gian, mức phí cho người dân, doanh nghiệp.
Sau cùng, tất cả các nỗ lực kể trên phải có quá trình truyền thông những cải cách thực sự hiệu quả đi kèm để lan tỏa tinh thần, nỗ lực cải cách của Chính phủ tới từng người dân, doanh nghiệp và tiếp nhận sự tham gia, cổ vũ và động viên của người dân và doanh nghiệp trong từng hoạt động cải cách đó.
Thạc sĩ, Luật sư LÊ HỒNG LAM
Tổ trưởng Tổ cải cách thủ tục hành chính, Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19