/ Góc nhìn
/ Nổi lửa, giữ lửa và cái chớp mắt lịch sử

Nổi lửa, giữ lửa và cái chớp mắt lịch sử

05/01/2021 18:05 |

“Lửa” chống tham nhũng, “lửa” nhiệt huyết phát triển kinh tế cùng bùng lên trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Nổi lửa khó khăn, nhưng giữ lửa còn khó khăn hơn khi một nhiệm kỳ, theo nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, “chỉ là cái chớp mắt của lịch sử”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào tuần cuối tháng 5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rõ, “tâm trạng xã hội cũng như cán bộ, đảng viên lo rằng Đại hội đến nơi rồi, liệu có dám làm không, có tiếp tục duy trì được không?”.

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh yêu cầu, “mặc dù khối lượng công việc lớn, nhiều việc khó, lại chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhưng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không được chững lại trong bất cứ hoàn cảnh nào và sắp tới phải làm mạnh hơn nữa”.

Chống “giặc” tham nhũng đã vừa có được những bước đi dài. Càng được lòng dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng càng canh cánh nỗi lo “giữ lửa” và hầu như phiên họp nào của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông cũng nhấn mạnh đến yêu cầu này.

Cách đây hơn 10 năm, tham nhũng là “lãnh địa” rất nhạy cảm. Có đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM phát biểu thể hiện sự bức xúc vì “con voi chui lọt lỗ kim”. Thời bấy giờ, tham nhũng hoành hành, thách thức sức chịu đựng của nhân dân như khái quát của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, “ăn của dân không từ thứ gì”… còn trong dư luận xã hội rộ lên “mèo ăn vụng miếng mỡ thì bị vồ, cọp cắp lợn thì lờ đi không dám đụng”, hay “bỏ cá lớn, chỉ đi lùa cá bé”…

Sau Đại hội XI, năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri đã đọc hai câu thơ đến từ dân gian để nói về tham nhũng, “miếng ăn là miếng tồi tàn/mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” và nhắn nhủ với người dân rằng Đảng và Nhà nước quyết chiến đến cùng với “giặc” tham nhũng.

Bắt đầu từ Đại hội XII, năm 2016, lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn sang một trang mới. Cùng với tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “lò đã nóng thì củi khô, củi ướt đều phải cháy”, tần suất và mức độ của cuộc chiến chống tham nhũng đã dồn dập hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn gấp bội so với những năm trước.

Tổng Bí thư phát đi mệnh lệnh, “gột rửa từ trên xuống”, “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Theo đó, tháng 10/2016, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 04, mở ra cuộc chỉnh đốn Đảng lớn chưa từng có trong vòng 3 thập kỷ qua, với hàng loạt cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, cho đến nay, con số này đã lên đến gần 100 người.

Người dân bắt đầu thấy choáng ngợp trước cuộc chiến chống tham nhũng kể từ tháng 12/2017, TAND Thành phố Hà Nội quyết định đưa bị cáo Đinh La Thăng, người mà tháng 3/2017 còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và 21 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ra xét xử vào ngày 8/1/2018…

Để “giữ lửa” cho cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong phát triển kinh tế.

Chính phủ trong 4 năm qua đã làm nên được hàng loạt kỳ tích, không chỉ trong điều hành kinh tế xã hội, mà còn cả trong tái thiết niềm tin của toàn dân vào hệ thống chính quyền đang từng bước được làm trong sạch, thực sự vì dân phục vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được người dân biết đến là một Thủ tướng của hành động, không nề hà gian khổ, chiến lược trong điều hành của Thủ tướng sắc nét, tỉ mỉ với các bước đi nhanh, quyết đoán và dù sóng gió thế nào cũng tính toán đến lợi ích cao nhất cho nước, cho dân.

Ngay cả khi rơi vào những tình thế bất ngờ, cấp bách cũng giữ vững tinh thần như vậy.

Giữa đại dịch Covid-19, không để người dân, doanh nghiệp phải “ngủ đông”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế; đối thoại với doanh nghiệp. Vừa ngớt đại dịch Covid-19, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tiếp với 8 tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm việc với Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; đối thoại với công nhân; tuyên bố khởi động lại thị trường du lịch nội địa.

Hay như với sự cố Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung diễn ra ngay khi Quốc hội vừa bầu ông làm Thủ tướng vào tháng 4/2016. Đứng đầu một Chính phủ với 2/3 là thành viên mới, Thủ tướng cùng nội các của ông nhanh chóng vượt qua những bối rối ban đầu để đi thẳng vào cuộc đấu tranh bài bản, khoa học, đảm bảo đầy đủ chứng cứ pháp lý buộc Công ty này cúi đầu nhận tội.

Hay như vào trung tuần tháng 9/2018, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời, không kịp thực hiện chuyến đi đến New York dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 như đã định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường đến New York thay Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trải qua gần 40 giờ bay đi, về chỉ để cho chuyến công tác ở New York, bảo đảm nhịp độ liên tục cho hoạt động đối ngoại của đất nước, như sự chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, “không có sự chuẩn bị trước vì bất ngờ, nhưng với trách nhiệm rất cao của Thủ tướng, đã có một chuyến đi thành công”.

Thủ tướng còn được người dân biết đến là một lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng cũng như khơi dậy tinh thần đoàn kết rất cao trong tập thể Chính phủ và trong cả bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Xác định sức mạnh chủ lực cho nền kinh tế là doanh nghiệp, trong 4 năm qua, Người đứng đầu Chính phủ ra sức tổng động viên toàn dân khởi nghiệp; đồng hành, cắt giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và nỗ lực đưa “đàn sếu” lớn là những tập đoàn kinh tế lớn mạnh cùng bắt tay nhau phát triển đất nước

Từ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình trước đại biểu Quốc hội và người dân.

Là người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mang tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước bao trùm trong toàn bộ chương trình làm việc của Quốc hội.

Người dân ngày càng cảm nhận rõ ràng sự đổi mới của Quốc hội, củng cố thêm niềm tin sâu sắc về cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

Báo chí quốc tế cũng đánh giá cao nữ Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cho rằng bà xứng đáng với vị trí lãnh đạo cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Việt Nam.

Vào lúc này, chỉ còn hơn nửa năm nữa, nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII sẽ hoàn thành sứ mệnh của một nhiệm kỳ “nổi lửa” như vũ bão. 

Nhiều sốt ruột mỗi khi nghĩ về quá khứ lịch sử “dâu bể đa đoan” từng tạo ra “những bản anh hùng ca dang dở”, nhưng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có niềm tin, “chúng ta đứng trên bậc thềm cao thì thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ càng cao”.

Người dân cũng có niềm tin như vậy. Bởi từ lời nói đến hành động của những người đang chèo lái con thuyền đất nước đều thể hiện nỗ lực “giữ lửa” là xuyên nhiệm kỳ, không dừng lại sau “chớp mắt”.

Câu nói nằm lòng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “chúng ta không thể thất hứa với dân, không để người dân thất vọng”.

LÊ CHÂU/VGP

/thu-tuong-tiep-tuc-kien-toan-to-chuc-cong-nghiep-quoc-phong.html