LSVNO - Sự kiện ngày 01/5/1886 của công nhân thành phố Chicago (Mỹ) mở màn cho một sự thay đổi to lớn đối với giai cấp công nhân toàn thế giới. Sự thay đổi này thể hiện trên tất cả các mặt, giai cấp công nhân lần đầu tiên trong lịch sử khẳng định được tiếng nói và địa vị chính trị, xã hội của mình.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn lao động Mĩ, ngày 01/5/1886 tại thành phố Chicago (Mĩ), công nhân toàn thành phố đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố. Khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền sở tại rơi vào thế bị động.
Tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động năm 1967 ở Romania.
Ngày 03/5/1886, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức bãi công mít tinh, biểu tình nhưng bị cảnh sát đàn áp. Sự kiện này đã gây chấn động toàn thành phố. Đến ngày 04/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Quảng trường Haymarket để phản đối hành động của cảnh sát.
Những vụ đàn áp đẫm máu diễn ra sau ngày 01/5/1886 đã gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Ở Mĩ, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chicago. Công nhân các nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân thành phố Chicago (Mĩ).
Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng 1 năm sau đó chính quyền buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 01/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 01/5/1890 lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được kỉ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mĩ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý… tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”.
Ngày Quốc tế Lao động 01/5 đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm tôn vinh và đoàn kết lao động trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, ngay sau khi được thành lập (03/02/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam trong Cương lĩnh đầu tiên đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông.
Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ngày 18/02/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 22C/NV/CC quy định ngày 01/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (01/5). Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (01/5) được tổ chức kỉ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Người lao động nước ta luôn được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỉ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”.
Hiện nay, chế độ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động ở nước ta đã được cụ thể hóa bằng các đạo luật, văn bản dưới luật nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Trong đó, Luật Lao động 2012 tại khoản 1, Điều 104 quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày, và 48 giờ trong 01 tuần; điểm d khoản 1, Điều 115 quy định người lao động được nghỉ làm việc ngày Quốc tế Lao động (01/5) và được hưởng nguyên lương.
Phương Hạnh